Chính trị

Tin tức

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV: Đoàn Gia Lai tiếp tục đóng góp vào dự thảo nghị quyết quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 6-1, kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tổ để đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật; chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

 
Quang cảnh phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai vào sáng 6-1. Ảnh: Quang Tấn
Trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn, các đại biểu đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Theo các đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường…

Góp ý vào Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn thống nhất theo hướng mạnh dạn phân cấp đối với dự án nhóm A cho HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Qua đó, tạo sự chủ động của HĐND các tỉnh, thành phố cũng như nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với Luật Đầu tư, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn cơ bản nhất trí việc cần thiết phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm thông tin về số lượng những di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt để có cơ sở, có dữ liệu phân tích, đánh giá tác động của việc điều chỉnh này trên diện rộng.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Ảnh: Quang Tấn


Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn thống nhất như dự thảo là kéo dài thời gian áp dụng mức thuế suất thấp 5 năm. “Đây là một chiến lược để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại xe ô tô chạy bằng pin nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Nếu như chúng ta xác định chỉ áp dụng cho khoảng thời gian 2-3 năm như một số đại biểu ý kiến thì chỉ giải quyết, tháo gỡ cái trước mắt mà không có chiến lược căn cơ, dài hơi”-Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn nêu ý kiến.  

Đại biểu Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh cũng đồng tình với sự cần thiết ban hành chính sách áp dụng mức thuế đặc biệt đối với dòng xe ô tô điện nhằm đón đầu xu thế, hướng tới dòng xe rẻ, thân thiện với môi trường. “Tuy nhiên theo tôi, thời gian áp dụng mức thuế suất thấp 5 năm như tờ trình của Chính phủ là quá dài. Việc giảm thuế sâu, kéo dài trong nhiều năm sẽ tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đối với xe chạy bằng xăng, dầu khi không có đủ thời gian, công nghệ và nguồn lực để chuyển đổi kịp thời sang dòng xe điện chạy pin. Do đó, tôi đề xuất chỉ nên áp dụng từ 2-3 năm nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước và có sức cạnh tranh hơn”.

Đại biểu Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh tham gia góp ý tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Tấn



Tham gia góp ý vào Dự án Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư công, đại biểu Siu Hương-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai thống nhất cao với đề nghị về việc trao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A của địa phương quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Qua đó, nhằm đảm bảo tính thống nhất với các dự án sử dụng nguốn vốn chính sách Nhà nước; theo khoản 6 Luật Đầu tư công năm 2019 đã phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A do địa phương quản lý (trừ các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ) và làm giảm thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

 

Đại biểu Siu Hương-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai thống nhất cao với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Ảnh: Quang Tấn
Về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở), đại biểu Siu Hương đồng thuận với việc sửa đổi nội dung này. Đại biểu Siu Hương cho rằng: “Dự thảo lần này đã mở rộng điều kiện để chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với cả trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất khác, không phải đất ở. Tuy nhiên, dự thảo này lại chưa quy định chặt chẽ trách nhiệm cũng như chế tài đối với các chủ đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm trễ trong việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác sang đất ở. Theo tôi, dự thảo cần có các quy định cụ thể về trách nhiệm trong việc chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất ở, như: ứng định thời hạn chủ đầu tư phải chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất ở và chế tài đối với các trường hợp không thực hiện các quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.
Chiều 6-1, kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên thảo luận tổ để đóng góp ý kiến vào Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. 
Theo đó, các đại biểu đồng tình với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông khi hoàn thành sẽ tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh quốc gia. Các đại biểu cũng đồng ý việc Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa của Dự án. Đồng thời, Chính phủ cần xem xét, rà soát các khó khăn, vướng mắc của Dự án để có cơ chế phù hợp, tiếp tục thực hiện thành công chủ trương này. 
Các đại biểu cũng đồng thuận với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Qua đó, tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng TP. Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm