TN - Đất & Người

"Kỹ sư chân đất" ham học hỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từng tìm đọc hầu hết các cuốn sách viết về nông nghiệp tại Thư viện huyện Đức Cơ, bất cứ ở đâu thấy nói có mô hình kinh tế nông nghiệp hay ông lại tìm tới, tận mắt tham khảo và học hỏi để đem về áp dụng..., sự ham học hỏi đáng quý của một người nông dân đã đem đến cho ông những kiến thức và kinh nghiệm quý báu để áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Ai có dịp ghé thôn Sung Tung (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ), ghé thăm mô hình trang trại nhỏ của gia đình ông Nguyễn Đình Đoan hẳn sẽ ngạc nhiên và thích thú trước những gì người nông dân ham học hỏi này kiến thiết nên.

“Kỹ sư hai lúa”

 

“Kỹ sư chân đất” Đoan bên một cây cà phê do chính ông ghép thay thế giống cách đây 4 năm. Ảnh: Lê Hòa

Gọi ông là “kỹ sư hai lúa” hẳn không ngoa. Ngay cả ngôi nhà ông cũng tự tay thiết kế, tạo thành cảnh quan đủ khiến người khác trầm trồ, mê mẩn. Xung quanh ngôi nhà xây theo kiểu “ba gian, hai chái” pha chút cách điệu được vây quanh bởi một không gian xanh mát, đủ để đuổi hết cái nóng ban trưa ngộp thở của vùng biên nắng gió với giàn hoa, sum sê cây ăn trái và cả một hệ thống hồ nước nhân tạo để nuôi cá, ba ba… Nhưng cái đáng quý nhất là khu vườn nhỏ bao quanh nhà với những bầu tiêu, cây cà phê trồng dùng làm… “chuột bạch” cho những khám phá, kỹ thuật mới ông học được.

…Đầu những năm 2000, vợ chồng ông đưa con cái chuyển từ Đak Lak qua Gia Lai lập nghiệp. Ông mua lại một vườn cà phê hơn 2.000 cây của một người dân ở đây nhưng vườn cà phê giống chất lượng kém, cho hiệu quả không như ý muốn. Ông thay thế dần thì lại vấp phải giống trôi nổi nên có hơn 250 cây cho năng suất rất kém, buộc phải thay thế. “Khi ấy tôi đã nghe nói đến kỹ thuật ghép cà phê. Nhờ giữ lại phần gốc cây cũ mà có thể rút ngắn thời gian sinh trưởng, năng suất, chất lượng phụ thuộc vào cây lấy mắt ghép nên mình hoàn toàn có thể chọn lọc từ những cây giống tốt có sẵn trong vườn, đã cho năng suất thực tế và tránh được rủi ro xác suất giống pha tạp… Thế là tôi mày mò tìm sách báo về đọc, rồi tìm hỏi cán bộ nông nghiệp huyện, những nông dân đi trước và tự ghép”- ông Đoan kể lại.

Sau thử nghiệm thành công, ông áp dụng ghép thay thế cho tất cả số cây kém chất lượng trong vườn, cứ thế, ông trở thành thợ ghép cà phê lão luyện từ lúc nào không hay. Không chỉ ghép thành công hàng trăm gốc cà phê trong vườn nhà, ông còn giúp cho nhiều nhà có nhu cầu ghép cà phê thay giống cây kém chất lượng. Bất cứ ai có nhu cầu học hỏi kỹ thuật ghép, ông đều chỉ vẽ tận tình. Vườn cà phê của ông đã có tới vài trăm gốc ghép cho thu hoạch 2-3 vụ trở lên, hầu hết đều cho năng suất rất tốt.

 

Ông Đoan đang làm việc trong một góc “khu vườn chuột bạch”. Ảnh: Lê Hòa

Khu vườn “chuột bạch” của ông hiện trồng tới hơn 1.000 bầu dây tiêu giống được ông ghép nối vào gốc cây lá lốt. “Tôi đọc thông tin, cũng đồng thời nghe nhiều người trồng tiêu ở các vùng Phú Quốc, Đông Nam bộ… nói rằng, gốc lá lốt khi ghép với cây tiêu sẽ đem lại cho dây tiêu sức đề kháng với các loại bệnh khá hiệu quả nên thử tìm tòi và áp dụng thử kỹ thuật này. Số dây tiêu tôi ghép thử cách đây vài năm hiện đã cho thu bói, năng suất rất ổn và tỷ lệ cây bị chết ít nên năm nay tôi ươm sẵn 1.000 dây để trồng”- ông Đoan, chia sẻ thêm. Dịch bệnh cũng là điểm “bí” nhất của người trồng tiêu hiện nay, khi tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt khiến hàng ngàn nông dân điêu đứng.

“Tôi rất muốn được giao lưu với mọi người để tìm hiểu mô hình sản xuất hay, đồng thời cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm ít ỏi của mình với những ai có nhu cầu”- ông Đoan, hồ hởi nói.

Nông dân cũng phải học không ngừng

Gắn bó với nghề nông một nắng hai sương, không chịu bằng lòng với những gì mình đã biết, đã làm được, ông luôn trăn trở tìm ra cách nào đó để vườn cây tăng trưởng tốt, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn. Những kỹ thuật ông mày mò, có cái đã được ứng dụng rộng rãi và phổ biến như ghép mắt trên cây cà phê nhưng cũng có cái mới lạ, thậm chí chưa có khẳng định chính thức của giới chuyên môn về hiệu quả ứng dụng thực tiễn. “Mình vừa làm vừa học hỏi, nông dân cũng phải học, mà thử nghiệm được-mất là chuyện thường tình. Có như vậy mới mong tìm được hướng đi mới, cách làm mới”-ông Đoan, nói.

Không một ngày qua trường lớp, chỉ với hành trang duy nhất là sự ham học hỏi, ông đã khiến nhiều người nể phục bởi thái độ lao động tích cực của một người nông dân thực thụ. Bằng sự nỗ lực đó, trang trại của ông đem lại năng suất, hiệu quả rất tốt. “Năm vừa rồi gia đình tôi thu khoảng 300 triệu đồng từ cà phê. Hơn 1.500 trụ tiêu mới cho bói cũng thu được vài chục triệu đồng. Đáng mừng là vườn cây luôn phát triển xanh tốt, nhiều người đến thăm vườn, học hỏi kinh nghiệm cảm thấy hài lòng, với nông dân như tôi, đó là niềm vui lớn”-ông Đoan chia sẻ.

 

Một bầu tiêu ghép với gốc lá lốt đã nảy mầm xanh. Ảnh: Lê Hòa

Theo ông Đoan, kỹ thuật ghép cà phê hay ghép tiêu với gốc lá lốt không khó thực hiện. “Với cà phê, phải chọn lấy cây giống khỏe mạnh, cho năng suất tốt và nuôi chồi để lấy giống. Ở cây cũ cho năng suất thấp, không nên cưa bỏ cây đi ngay mà tỉa thưa để giữ độ che nắng khoảng 50%. Khi chồi đạt khoảng 35-40 cm, thực hiện ghép nêm (vát nhọn đầu chồi giống, chẻ đôi chồi gốc sau đó ghép kẹp vào giữa và dùng dây băng cuốn kín lại). Khi ghép nên tỉa bớt lá ở chồi ghép để làm giảm sự thoát hơi nước và lượng chất dinh dưỡng dùng để nuôi cây. Chỉ cần khoảng thời gian 7-10 ngày là đã có thể đánh giá được thành công hay thất bại của chồi ghép”-ông Đoan, hướng dẫn.

Theo ông Đoan, thời điểm ghép cà phê thích hợp nhất có thể rải đều trong năm, chỉ cần tránh tháng mưa nhiều hay quá nắng nóng, đặc biệt tuyệt đối không nên bón phân hóa học trước khi tiến hành ghép cây, dễ làm chồi ghép bị chết.

…Sẽ là vội vàng khi khẳng định tính ưu việt của kỹ thuật ghép tiêu trên gốc lá lốt của “kỹ sư chân đất” Nguyễn Đình Đoan nhưng một điều đáng trân trọng ở người nông dân này, đó là thái độ lao động cầu tiến, ham học hỏi, thích tìm tòi. Đó là những liều “doping” cần thiết để người nông dân vươn ra khỏi những giới hạn của ruộng đồng.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm