Kỳ thi THPT Quốc gia 2020: Cần chủ động nhiều phương án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc học tập, thi cử của học sinh đã bị ảnh hưởng và gián đoạn kể từ sau Tết Nguyên đán 2020. Hiện tại, nhiều tỉnh, thành trong cả nước cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến ngày 29-3. Chính vì có sự xáo trộn bất đắc dĩ này khiến cho ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) rất lúng túng trong việc điều hành, sắp xếp chương trình, lịch học, ôn tập, thi cử cho các lớp cuối cấp, đặc biệt là kỳ thi THPT Quốc gia, làm cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Mới đây, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các địa phương trong cả nước về việc tiếp tục lùi lịch thi THPT Quốc gia 2020, chính thức là từ ngày 8 đến ngày 11-8 (thay vì từ ngày 23-7 đến 26-7 như trước); đồng thời lùi kết thúc năm học 2019-2020 đến ngày 15-7 (thay vì ngày 30-6 như trước). Như vậy, tùy theo tình hình dịch bệnh mà các địa phương sắp xếp cho các em đi học lại vào thời gian thích hợp để đảm bảo hoàn thành chương trình chung theo yêu cầu. Bộ cũng đề nghị các địa phương cùng bàn với ngành GD-ĐT để nghiên cứu rút gọn, tinh giản chương trình học một cách hợp lý nhưng phải đảm bảo đánh giá đúng chất lượng giáo dục, chuẩn kiến thức các cấp học, ngành học. Bộ cũng khuyến khích các tỉnh, thành trong giai đoạn khó khăn này, khi chưa cho học sinh đi học lại được thì cần linh hoạt mở rộng các hình thức học tập tại nhà; những nơi có điều kiện nên tổ chức cho các em học, ôn tập qua internet, truyền hình… Việc tổ chức cho học sinh học tập tại nhà, có hướng dẫn, có đánh giá là hình thức rất phù hợp trong mùa dịch nhưng không phải địa phương nào cũng có thể thực hiện được vì thiếu sự chuẩn bị cả về cơ sở vật chất, người dạy và phương pháp đánh giá kết quả.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2019 tại điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương. Ảnh: Đ.T
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2019 tại điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương. Ảnh: Đ.T
àn về việc thi THPT Quốc gia năm nay, một số ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT nên rút bớt môn thi nhằm giảm nhẹ áp lực cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có đề nghị cụ thể là chỉ nên cho thí sinh năm nay thi 3 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, còn miễn thi các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Ngày 17-3, ông Mai Văn Trinh-Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đã chính thức trả lời: “Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019”, tức là về nội dung, phương thức tổ chức kỳ thi năm nay không có gì thay đổi so với năm trước. Kết quả kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương làm cơ sở để tuyển sinh đại học, cao đẳng và giáo dục nghề nghiệp. Trước khi dịch bệnh xảy ra, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương năm nay không công bố đề minh họa kỳ thi THPT Quốc gia như các năm trước. Nhưng với tình tình nghỉ học dài như hiện nay, Bộ sẽ sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và các trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập đúng hướng. Qua đó, học sinh có thể yên tâm, tự tin bước vào kỳ thi và đạt kết quả tốt. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến cho rằng, trong tình hình quốc gia có những biến cố đặc biệt và có ban bố tình trạng khẩn cấp khi thiên tai, địch họa… thì có thể xem xét miễn giảm các kỳ thi hoặc xét đặc cách để công nhận tốt nghiệp. Nếu diễn biến tình hình dịch bệnh kéo dài ở cấp độ cao hơn nữa thì không loại trừ đến phương án, các địa phương đề nghị ngành GD-ĐT và Chính phủ chỉ xét tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp THPT mà không qua tổ chức kỳ thi tập trung.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, việc các địa phương kịp thời đóng cửa trường học, cho học sinh nghỉ học dài ngày là chủ trương đúng đắn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, mất kiểm soát. Vấn đề còn lại là để giải quyết nốt chương trình năm học 2019-2020, các địa phương và ngành GD-ĐT cần có nhiều phương án tối ưu nếu như có những diễn biến xấu hơn. Bởi lẽ, Bộ GD-ĐT đến nay đã 2 lần thay đổi lịch cho việc kết thúc năm học và tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia trong tư thế bị động hoàn toàn. Các phương án dự phòng dường như ngành GD-ĐT cũng chưa kịp chuẩn bị chu đáo nên ngay cả việc tổ chức các hình thức học qua online hay truyền hình hiện nay cũng không nhiều địa phương thực hiện được.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm