Ở cái tuổi 56, rất nhiều điều đã nhạt dần trong ký ức của ông Lê Đình Phi Long (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah, Gia Lai), song những ngày đầu mở đất để gầy dựng những vườn cao su tăm tắp ở Nông trường Cao su Ninh Đức thì ông chẳng thể nào quên…
Nông trường Cao su Ninh Đức ngày ấy (xã Ia Nhin) chính là tiền thân của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah bây giờ. Năm 1976, cái thời mà ông vừa tốt nghiệp Trường Cơ khí Nông nghiệp 3 và cùng 10 người nữa được Bộ Nông nghiệp điều vào đây, Nông trường này chỉ là một trại cây giống rộng chừng 8,3 ha. Cộng với 220 ha cao su trồng từ năm 1960 trong dinh điền của bà Trần Lệ Xuân bàn giao lại, trại cây giống được biên chế thành Nông trường. Ông cùng 10 người nói trên vào trở thành “cán bộ khung” của Nông trường.
“Ký ức máu”…
Bom cày đạn xới, rừng hoang bao quanh… chính là những hình ảnh đầu tiên của vùng đất này đập vào mắt ông lần đầu đặt chân đến. Phương tiện giao thông lại không có gì, mãi đến năm 1978, các trưởng phòng mới được cấp mỗi người một chiếc xe đạp Chiến Thắng, quý lắm, giá của nó đến giờ ông vẫn nhớ như in là 243 đồng. Tận dụng lực lượng lao động là anh em đi nghĩa vụ về và một số đối tượng hoạt động FULRO nay đã hối cải, Nông trường dần dần tập hợp được 76 công nhân. “Lúc đó chi bộ Đảng tại Nông trường chỉ có 8 người, chi đoàn cũng chỉ có 11 đoàn viên”- ông Long, lúc bấy giờ là Tổ trưởng Tổ Cơ khí, hồi tưởng.
Ông Trần Văn Đại ngậm ngùi bên tấm bia tưởng niệm có khắc tên vợ và con ông- những người đã bị FULRO giết hại cách đây 31 năm tại Nông trường Cao su Ninh Đức . Ảnh: P.D |
Mấy mươi năm đã trôi qua, song ký ức kinh hoàng của đêm 5-7-1980 vẫn còn ám ảnh tâm trí nhiều người. “Đầu năm 1979, Đội 6 được thành lập, mục tiêu là phát hoang thêm 700 m2 đất để mở rộng diện tích cao su. Có lẽ điều này khiến bọn FULRO bực tức nên tìm cách khống chế”- ông Long bần thần nhớ lại. Hôm ấy lại đúng vào tối thứ bảy, các đội được chia thịt heo để cải thiện bữa ăn sau nhiều tháng thiếu thốn. 19 giờ 15 phút, bất thần một nhóm FULRO ập đến với súng M72, M79 điên cuồng bắn vào các dãy nhà. Những ngôi nhà tạm bằng gỗ, tranh phừng phừng cháy. Nhiều người chạy thoát, nhưng có 7 người phụ nữ và trẻ em bị giết hại hoặc chết cháy; 21 người khác bị thương nặng. Cái đêm tưởng chừng sẽ vô cùng thanh nhàn, thảnh thơi ấy lại biến thành một đêm đẫm máu kinh hoàng.
...Và trùng trùng xanh
Quá trưa, ông Long, ông Đại và lãnh đạo Nông trường Cao su Ia Nhin đưa chúng tôi đến thăm bia tưởng niệm do Công ty xây nên để tưởng niệm những nạn nhân đã mất trong vụ thảm sát. Tấm bia nằm cách vị trí dãy nhà của Đội 6 (cũ) chỉ chừng vài trăm mét, nghiêm cẩn và ấm cúng, trên có khắc tên từng người đã mất. Hoa được thay mới, từng nén nhang thành kính được thắp lên. Ông Đại chỉ vào mấy dòng chữ trên tấm bia, giọng nói run run: “Đây là tên vợ và con trai tôi…”. Tất cả mọi người xung quanh đều lặng đi…
Cùng chúng tôi đi trên phố phường nhộn nhịp của Ia Nhin hôm ấy, ông Long và ông Đại đều không khỏi bâng khuâng, so sánh: “Ngày xưa toàn rừng rậm, nay đã là phố phường như thế này, biết bao là gian khổ…”. Đã 34 năm rồi còn gì. Đó là thành quả của rất nhiều người, nhiều thế hệ, nhưng người ta sẽ luôn nhớ đến và biết ơn những người tiên phong. Họ không gian khổ, hy sinh thì đất này chẳng thể nào trùng trùng xanh đến thế…
Phương Duyên