Kinh tế

Kỳ vọng một đô thị đặc trưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đề án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Pleiku giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được 2 đơn vị tư vấn là Công ty Tư vấn Thiết kế AREP VILLE (Pháp) và Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) chỉnh sửa và báo cáo lần 2. Đặc biệt trong điều chỉnh quy hoạch lần này, các đơn vị tư vấn đã đưa ra bản quy hoạch chung khai thác triệt để đặc trưng địa hình đồi núi của Pleiku.
 
Trong điều chỉnh quy hoạch lần này, các đơn vị tư vấn sẽ tập trung vào ý tưởng khai thác đặc trưng của địa hình đồi núi khá đặc biệt, trong đó có các thung lũng, miệng núi lửa âm, các núi, miệng núi lửa dương cũng như các dòng suối, thung lũng xanh trong đô thị. Đây là đặc trưng cảnh quan TP. Pleiku mà không thành phố nào ở Việt Nam có được.
 

Đường Lê Lợi (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy

Theo đó, đô thị Pleiku sẽ được xây dựng theo kiểu “bottom up”-từ dưới đáy lên-nhằm tạo bộ mặt đột phá cho đô thị. Chiến lược này không chỉ xây dựng nhà ở đô thị ven dải xanh mà còn đưa ra ý tưởng về “trục nghệ thuật-du lịch” với các tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc và các công trình công cộng. Trục này sẽ kết nối không gian xanh đô thị, không gian nông nghiệp, không gian du lịch,  với không gian cảnh quan từ các trục chính đô thị hiện hữu, tạo nên bộ mặt cảnh quan độc đáo cho TP. Pleiku.

Ngoài việc xây dựng thành phố nương theo địa hình, có những đặc trưng riêng, theo ông Trịnh Văn Sang-Phó Giám đốc Sở Xây dựng: “Sau quy hoạch cần triển khai thiết kế đô thị, phân vùng kiến trúc cảnh quan, hình ảnh đô thị, định hướng vùng phát triển tự nhiên, vùng phát triển nhân tạo, xây dựng một số tuyến trục chính khu vực trung tâm, như trục Trần Hưng Đạo kết nối từ Quảng trường Đại Đoàn Kết đến Hùng Vương, bổ sung sắp xếp lại các công trình công cộng dọc trục phố, tạo nên điểm nhấn nổi bật cho khu vực trung tâm; và nữa là quy hoạch lại các nút giao thông cửa ngõ đô thị như Phù Đổng, ngã ba Hoa Lư…, nghiên cứu xây dựng và bảo tồn một vài làng dân tộc kiểu mẫu trong đô thị”.

Có thể thấy, quy hoạch lần này, mô hình phát triển không gian của đô thị Pleiku được chuyển từ mô hình đô thị phân tán, dàn trải, sang mô hình đô thị tập trung, phát triển các chức năng quan trọng vào khu vực nội đô (hành chính-chính trị, kinh tế-tài chính, công nghiệp, y tế, nghiên cứu khoa học ngành y, du lịch nghỉ dưỡng,…). Còn khu vực vùng ven phát triển đô thị theo dạng mật độ xây dựng thấp, gắn kết với vùng kinh tế nông-lâm nghiệp.

Phương án này mang lại hiệu quả hơn so với quy hoạch năm 2005 ở chỗ: Khai thác hiệu quả về sử dụng đất, cự ly vận chuyển, bán kính phục vụ được giảm thiểu, chi phí đầu tư hạ tầng thấp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tiết kiệm quỹ đất tương lai. Bởi trên thế giới hiện nay đang có một xu hướng phát triển đô thị bền vững là tận dụng tốt hơn các không gian đô thị hiện hữu, giảm thiểu khoảng cách di chuyển cũng có nghĩa giảm thiểu chi phí đầu tư hạ tầng, ô nhiễm môi trường cũng như tiết kiệm thời gian.

Trong lần báo cáo đề án quy hoạch TP. Pleiku lần thứ nhất, đơn vị tư vấn đã đưa ra chiến lược xây dựng và phát triển Pleiku thành “Thành phố vì sức khỏe”. Tại buổi báo cáo, cũng có một vài ý kiến góp ý rằng, muốn đạt được mục tiêu này, cần phải xét rất nhiều điều kiện cần và đủ. Tất nhiên, định hướng xây dựng Pleiku thành “Thành phố vì sức khỏe” là một hướng đi tốt. Hiện nay các đô thị trên thế giới cũng đều quan tâm và nỗ lực vươn tới. Nếu Pleiku đạt được mục tiêu này coi như ta đã xây dựng được thương hiệu mới, từ đó nâng cao vị thế của đô thị Pleiku.
 

Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Đức Thụy

Tuy nhiên, cũng theo ông Trịnh Văn Sang: “Động lực cho phát triển đô thị là “Thành phố sức khỏe” vẫn còn khiêm nhường. Giải pháp tiến tới “Thành phố vì sức khỏe” còn chưa rõ nét; các khu nghỉ dưỡng chưa rõ trong cấu trúc đô thị nghỉ dưỡng, vì sức khỏe, chưa có nguyên liệu. Trên cơ sở đó, cần có lộ trình để thực hiện chiến lược quan trọng này, và trước tiên phải đề cao đô thị xanh, đô thị sinh thái môi trường tốt, đô thị có chất lượng đời sống tốt…”.

Quy hoạch đô thị Pleiku được điều chỉnh lần này là trên cơ sở hiện trạng đã đạt được từ kết quả triển khai thực hiện quy hoạch năm 2005. Kết quả đầu tư phát triển đô thị thời gian qua cho thấy, ngoài những công trình công cộng đã tạo nên điểm nhấn và không gian cảnh quan cho đô thị, như Quảng trường Đại Đoàn Kết, trụ sở UBND tỉnh, một vài tuyến trục phố nhiều cây xanh hoặc có các công trình xây dựng dân dụng mới, đẹp, như đường Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hai Bà Trưng…

Nhìn tổng thể, Pleiku chưa có hình ảnh đặc trưng của thành phố, các không gian công cộng và tiện ích đô thị còn hạn chế, các không gian xanh còn thiếu và giá trị thấp,… Bởi vậy, không chỉ nhân dân TP. Pleiku mà cả tỉnh Gia Lai đang rất kỳ vọng vào lần quy hoạch này, hy vọng sẽ có một TP. Pleiku đẹp.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm