“Là bác sĩ phải liên tục sáng tạo”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là lời bộc bạch và cũng là tâm nguyện của bác sĩ Tăng Văn Thành-Trưởng khoa Ngoại-Liên chuyên khoa Răng-Hàm-Mặt, Tai-Mũ-Họng, Bệnh viện đa khoa TP. Pleiku. Chính vì thế mà gần 17 năm công tác, anh đã gặt hái được nhiều thành công, được đồng nghiệp yêu mến và người bệnh tin tưởng.

Như đã hẹn, đúng 2 giờ chiều ngày cuối tuần, chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku gặp anh. Anh Thành kể: Năm 1995, sau khi  tốt nghiệp Trường Đại học Y-Dược Huế, anh làm hồ sơ xin việc, gửi khắp mọi nơi và hồi hộp chờ đợi, nhưng càng chờ càng vô vọng. Anh quyết định lên Trung tâm Y tế TP. Pleiku xin việc. Anh tếu táo: Đến bệnh viện, tôi đi lên các dãy nhà, ngó nghiêng tìm phòng lãnh đạo để nộp hồ sơ nhưng lại không dám hỏi.

 

 

Mấy anh em trong cơ quan thấy tôi gầy đét, đen đúa lại cao lênh khênh đi lại nhiều vòng trong cơ quan tưởng là trộm, liền giữ lại. Khi biết tôi xin việc, họ chỉ dẫn cho tôi đến gặp lãnh đạo. Có lẽ vì thế mà tôi được nhận làm việc.

Năm 1996, anh chính thức vào làm việc tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku (cũ). Tuy nhiên ở thời điểm đó, trang-thiết bị, máy móc phục vụ khám-chữa bệnh thiếu trầm trọng, khó khăn trong việc khám-chữa bệnh cho nhân dân. Cùng với đồng lương quá ít ỏi, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, khiến cho anh đôi lúc nản lòng. Nhưng khi nhìn thấy người bệnh bị hành hạ trong cơn đau, niềm khát khao cống hiến chữa bệnh cứu người đã níu giữ anh ở lại. Bốn năm sau, nhận thấy năng lực và nỗ lực vì người bệnh của anh, Ban lãnh đạo cơ quan cử anh đi học chuyên khoa Tai-Mũi-Họng tại Đà Nẵng. Sau 2 năm anh hoàn thành khóa học, trở thành bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng đầu tiên của cơ quan.

Đã 17 năm trôi qua, hàng ngàn lượt bệnh nhân đã được anh phẫu thuật thành công. Nhiều bệnh nhân thoát cửa tử trở lại với cuộc sống, xem anh là ân nhân. Điển hình như trường hợp của anh Hà Văn P. (xin được giấu tên) ở huyện Chư Prông trong một vụ tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não, gãy xương đùi phải đã phẫu thuật 3 lần tại các cơ sở tuyến trên. Bệnh cũ vẫn không hết.

Lần thứ 4 đến Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku, được bác sĩ Thành và các cộng sự tiến hành phẫu thuật lại. Sau một tháng rưỡi, vết thương lành lặn, không còn lỗ rò và đau nhức như trước. Hoặc như trường hợp chị Nguyễn Thị T. (47 tuổi, ở số nhà 18 Phùng Khắc Khoan, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) bị người chồng vũ phu dùng xăng đốt để lại sẹo ở vùng cổ ngực và 2 bàn tay. Chị có khao khát được phẫu thuật cắt bỏ sẹo bị co rút, nhăn nhúm.

Ngày 19-2-2013, sau 5 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật tạo hình đã thành công. Gặp chị trong khi chờ bác sĩ Thành thay băng, chúng tôi bắt chuyện. Chị nói trong nước mắt: 23 năm qua, tôi mang trong mình mặc cảm, nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều người bảo tôi đi thẩm mỹ viện nhưng điều kiện kinh tế gia đình không cho phép. Một lần tình cờ khi đến khám tại viện, tôi được bác sĩ Thành động viên và đã mổ thành công cho tôi. Tôi rất biết ơn bác sĩ Thành và các công sự.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, bác sĩ Thành còn phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh như: u máu, tái tạo ngón tay bị dập nát, nối mạch máu… Để có được thành công đó, ngoài việc đi học các lớp nâng cao, tự anh luôn học hỏi qua sách, báo, trang điện tử… nhằm cập nhật những thông tin y học mới nhất để áp dụng vào các ca mổ. Trước khi phẫu thuật, nếu gặp ca khó, anh thức trắng đêm nghiên cứu hồ sơ bệnh án, đọc tài liệu. Anh nói: Mỗi ca bệnh đều có những đặc điểm riêng, phải kỹ lưỡng để tìm ra phương pháp phẫu thuật tốt nhất.

Đặc biệt, không rập khuôn máy móc theo một giáo trình nào đó, phải luôn luôn sáng tạo. Hiện nay, bác sĩ Thành là một trong những cộng sự đắc lực nhất trong việc biên soạn và thực hiện đề tài phẫu thuật kết hợp xương dưới màn tăng sáng, bắt đầu từ năm 2012 do Trung tâm Y tế TP. Pleiku đảm nhiệm. Mục đích của đề tài là để hoàn thiện kỹ thuật và sẽ chuyển giao công nghệ giúp các tuyến y tế có cơ sở phẫu thuật cứu người.

Bác sĩ Thành bộc bạch: Hiện tại ở Bệnh viện, đội ngũ y-bác sĩ hồi sức cấp cứu, gây mê trước, trong và sau khi mổ còn quá thiếu và yếu về chuyên môn dẫn đến nhiều trường hợp phải chuyển viện. Mỗi lần như thế tôi lại thấy buồn, phần vì tốn kém cho người bệnh, phần vì bác sĩ không có điều kiện thực hiện phẫu thuật tích lũy kinh nghiệm. Tôi luôn mong có một ê kíp gồm những bác sĩ kinh nghiệm để phẫu thuật cho các bệnh nhân. Bác sĩ Tăng Văn Thành đã đăng tải các thông tin lên blog cá nhân, quý độc giả có nhu cầu có thể truy cập theo địa chỉ: http://bstangvanthanhbvpleiku.blogspot.com.

Với những đóng góp to lớn đó, từ năm 2009 đến nay, bác sĩ Thành luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2013 đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Mới đây, anh là một trong 92 công nhân trong toàn tỉnh được Liên đoàn Lao động tỉnh trao bằng khen công nhân lao động sáng tạo năm 2012.

Ông Nguyễn Tự Tín- Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku cho biết: Bác sĩ Thành là người giỏi về chuyên môn lại tận tâm với nghề, ham học hỏi để nâng cao trình độ, luôn tận tình truyền đạt kinh nghiệm cho các bác sĩ trẻ, xứng đáng là tấm gương sáng để các cán bộ, nhân viên trong viện noi theo.

Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm