TN - Đất & Người

Lạ lùng đặc sản độc nhất ở Tây Nguyên, khách nhắm tít mắt mới dám thử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi được giới thiệu thưởng thức món sâu muồng Tây Nguyên, không ít thực khách phải nhắm mắt mới dám nếm thử.
Ghé Tây Nguyên vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm, không khó để bắt gặp cảnh người dân Êđê xách theo gùi, trèo lên những cây muồng cao tít tại nương rẫy để bắt sâu và nhộng sâu về làm món ăn.

Đặc sản Tây Nguyên. Người dân leo lên cây muồng để bắt sâu, nhộng về chế biến món ăn.
Muồng là loại cây được trồng khắp các rẫy cà phê, hồ tiêu để chắn gió. Không chỉ vậy,  muồng còn được trồng xen khắp rẫy để làm trụ cho hồ tiêu bám vào. Thời điểm này, trên những cành muồng chi chít những chú sâu bám khắp nơi, ăn trụi cả lá.
Bà con nông dân thường tranh thủ giờ giải lao sau buổi lao động mệt nhọc trên nương rẫy, rủ nhau đi bắt sâu, nhộng muồng về cải thiện bữa ăn.

Đặc sản Tây Nguyên. Đây là một trong những món ăn ưa thích của người Êđê.
Sâu muồng màu nâu vàng, có sọc đen hai bên mình, phía dưới bụng màu xanh. Sâu sau khi được bắt về sẽ được để khoảng 4-6 giờ trước khi chế biến để sâu tự tiêu hóa cho sạch ruột.
Cách chế biến sâu muồng rất đơn giản, nhanh gọn. Sâu được cho vào mỡ nóng phi với ít hành, tỏi băm nhuyễn và đảo nhẹ tay, nêm nếm các gia vị, cho thêm ớt là xong món sâu xào thơm nức mũi. Sâu muồng cũng có thể được chiên giòn trực tiếp hoặc tẩm vào bột rồi chiên giòn chấm tương ớt.
Ngoài món sâu muồng, nhộng sâu muồng còn được nhận xét thơm, ngon và hợp khẩu hơn. Nhộng sâu muồng là những con sâu già lột xác hóa thành, nhộng có màu xanh ngọc nằm dính sau những tán lá.

Đặc sản Tây Nguyên

Đặc sản Tây Nguyên. Sâu muồng được bắt về, chế biến thành nhiều món bổ dưỡng.
Nhộng sâu muồng cũng được chế biến đơn giản, có thể hấp chín chấm mắm ớt xắt hoặc xào với mỡ cho thêm gia vị, lá chanh thái chỉ, ăn kèm với bánh đa. Nhộng khi ăn có vị đặc trưng bùi, béo quyện với các gia vị mang lại đặc trưng riêng biệt.
Với người Êđê, sâu, nhộng sâu muồng được ví như "quà quý" mà thiên nhiên ban tặng. Đây là món không chỉ giúp cải thiện bữa ăn mà còn rất tốt cho sức khỏe.

Đặc sản Tây Nguyên. Nhộng sâu muồng có màu xanh, bám sau các lá cây.
Anh Y Duy Êban (ngụ TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tranh thủ ngày nghỉ cùng vợ con đi bắt nhộng sâu muồng. Anh kể cả gia đình anh ai cũng khoái khẩu món nhộng sâu muồng nên vào mùa này, anh không bỏ lỡ "cơ hội".
Theo anh Y Duy, nhộng sâu muồng là món ăn bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng dám thưởng thức. Một số người cơ địa không hợp, ăn nhộng muồng vào sẽ bị nổi đỏ như dị ứng nhưng số này khá hiếm.

Đặc sản Tây Nguyên. Nhộng sâu muồng được ví như món "quà quý" và chỉ có vào tháng 3 - 4 ở Tây Nguyên.
"Khi chúng tôi mời món nhộng sâu muồng, ban đầu nhiều người không dám ăn vì sợ hoặc thấy ghê ghê. Nhưng một khi đã ăn quen thì sẽ "kết" ngay, món ăn này sẽ mang lại cảm giác khó quên đối với nhiều thực khách khi đến với Tây Nguyên", anh Y Duy quả quyết.

Đặc sản Tây Nguyên. Nhộng sâu muồng xào mỡ ăn kèm bánh đa là món được nhiều người ưa chuộng.
Theo Thúy Diễm (báo Dân Trí/Dân Việt)
https://danviet.vn/la-lung-dac-san-doc-nhat-o-tay-nguyen-khach-nham-tit-mat-moi-dam-thu-20220425105427392.htm

Có thể bạn quan tâm