Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Lại rộ thuyết âm mưu bà Harris đeo tai nghe tham gia tranh luận để được 'nhắc bài'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau cuộc tranh luận Trump - Harris, một số người ủng hộ ông Trump dựng thuyết âm mưu về việc bà Harris khi đó đã đeo tai nghe.

Hoa tai của bà Harris bị "thêu dệt" bởi những người theo thuyết âm mưu.

ẢNH: REUTERS


Theo trang News.com.au ngày 12.9, một số người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dựng lên thuyết âm mưu cho rằng Phó tổng thống Kamala Harris đeo tai nghe ngụy trang khi tranh luận, dù chưa đưa ra bất cứ chứng cứ xác thực nào.

Thuyết âm mưu này bị cho là nhằm tìm một cái cớ để giải thích việc họ cho rằng ông Trump tranh luận không được như họ kỳ vọng, dù cựu tổng thống khẳng định rằng ông đã có cuộc tranh luận tốt nhất từ trước đến nay.

Bầu cử Mỹ: 5 khoảnh khắc đáng nhớ từ cuộc tranh luận Trump-Harris

Phản ứng chính thống từ phe Cộng hòa, bao gồm ông Trump, là việc phàn nàn về 2 điều phối viên David Muir và Linsey Davis. Hai vị này nhiều lần ngắt lời để đính chính những điều ông Trump nêu, không thụ động như các điều phối viên trong cuộc tranh luận giữa ông Trump và Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, một số cư dân mạng phản ứng một cách bất thường và đưa ra một giả thuyết rằng bà Harris đã được nhắc thoại trong suốt cuộc tranh luận, thông qua một chiếc tai nghe được ngụy trang thành một chiếc hoa tai bình thường.

Trong số đó có tài khoản X MAGABrittany cho rằng bà Harris đeo tai nghe ngụy trang NOVA H1, một sản phẩm từng được phát triển bởi một công ty Đức hiện đã giải thể.

Một mẫu quảng cáo tai nghe NOVA H1

"Đôi bông tai này được tích hợp đầy đủ công nghệ mới nhất được giấu trong ngọc trai thật để cung cấp cho bạn âm nhạc, cuộc gọi điện thoại và trợ lý kỹ thuật số suốt cả ngày. Giống như những đôi bông tai thông thường, NOVA H1 được đeo trên tai và truyền âm thanh từ bên trong ngọc trai thẳng vào ống tai của bạn", theo quảng cáo của sản phẩm.

Giả thuyết này sau đó được nhiều người ủng hộ ông Trump tiếp tục đồn thổi.

Tuy nhiên, theo News.com.au, bà Harris không đeo hoa tai trên. Hình ảnh cận cảnh với độ phân giải cao cho thấy bà đeo trang sức mình hay dùng là hoa tai của hãng Tiffany & Co.

Thiết kế trên giống sản phẩm South Sea Pearl của công ty, được bán với giá hơn 3.000 USD. Do đó, bà Harris không phải đã đeo tai nghe bí mật. Trên thực tế, ứng viên đảng Dân chủ có thể đã dự đoán về những câu hỏi của các điều phối viên, do bà đã tích cực tập luyện trước đó.

Tai nghe bị cấm trong các cuộc tranh luận của tổng thống. Trong cuộc tranh luận của ABC News, các ứng viên không được phép mang theo ghi chú hoặc những thứ hỗ trợ khác. Đài CBS đã liên hệ với chiến dịch của Harris để đề nghị đưa ra bình luận.

Theo CBS, trước đây đã có nhiều giả thuyết về các ứng viên tổng thống Mỹ đeo tai nghe bí mật khi tranh luận.

Sau cuộc tranh luận giữa ông Trump và Tổng thống Joe Biden hồi tháng 6, nhiều tài khoản mạng từng cáo buộc, dù không có chứng cứ, rằng ông Biden đeo tai nghe.

Hồi năm 2020, chiến dịch của ông Trump đăng trên Facebook cáo buộc ông Biden đeo tai nghe khi tranh luận vào tháng 9.2020. Chiến dịch của ông Biden đã bác bỏ những cáo buộc và những hình ảnh chất lượng cao từ cuộc tranh luận cho thấy những dấu vết bị đồn là thiết bị âm thanh có thể là chỉ nếp nhăn trên quần áo của ông.

Hồi năm 2016, trang True Pundit chuyên về thuyết âm mưu đã cáo buộc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đeo tai nghe để "nghe lén trao đổi" trong một diễn đàn của NBC News.

Thuyết âm mưu không chỉ nằm ở cánh hữu. Vào năm 2004, mạng internet tràn ngập tin đồn rằng cựu Tổng thống George W. Bush có thiết bị truyền âm thanh để nghe từ chiến lược gia Karl Rove, với hình chữ nhật lạ ở vai ông.

Người phát ngôn của chiến dịch ông Bush sau đó đã nói với tờ The New York Times rằng "nhiều khả năng là do phần áo vest của ông ấy bị nhăn hoặc vải bị nhăn".

Theo Khánh An (TNO)

Có thể bạn quan tâm