Lại xôn xao tin đồn “thuốc thư”…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tin đồn có người dân bỏ thuốc thư hại người khiến cho các xã nghèo của huyện Ia Pa (Gia Lai) rúng động. Dù không có thật nhưng khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị xáo trộn và xảy ra mất trật tự an ninh trên địa bàn.

Đến tận bây giờ, ông Rah Lan Len, làng Bon Tkhế, xã Ia Tul, huyện Ia Pa vẫn chưa hết ấm ức vì bị nhiều người dân trong làng nghi có thuốc thư. Sự việc chỉ qua hôm cúng Yàng tại nhà Rah Lan Luyến, vì quá say, vợ ông (bà Rơ Ô Priu) không nhận rượu mời của ông Hbel nên nghi bà có thuốc thư bỏ vào rượu.

Ông Len (bên trái) đang kể chuyện mình bị nghi có thuốc thư. Ảnh: Lê Anh
Những ngày sau đó, gia đình ông nhận được ánh mắt nghi kỵ và sự xa lánh của dân làng. Sự việc đã được chính quyền địa phương xử lý, hòa giải kịp thời. Ông Len tâm sự: “Tôi cả đời cống hiến cho cách mạng, đến nay đã gần 50 năm tuổi Đảng, làm gì có chuyện bỏ thuốc hại bà con dân làng. Mà hồi giờ tôi cũng chưa thấy thuốc thư thế nào, vậy mà chỉ vì lời nói đùa trong lúc say rượu của Hbel khiến gia đình tôi bị dân làng xa lánh, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, cứ thấy tôi là một số người bỏ đi…”. Cũng theo ông Len, không chỉ một lần này mà đã có 3 lần người dân đồn thổi ông bỏ thuốc thư vào rượu trong thời gian qua.

Theo lời đồn thổi, thuốc thư được bào chế từ râu cọp cắm trên măng non, hoặc bào chế từ cây độc trên rừng. Người bị bỏ thuốc, ho kéo dài, ho ra máu rồi chết… Để trị khỏi phải dùng sữa cọp và cây thuốc mà chỉ có những người biết bào chế thuốc mới làm được. Dù không ai tận mắt chứng kiến mình bị bỏ thuốc thư, cũng không thấy thuốc thư như thế nào, nhưng trước những tin đồn trên, gia đình cho là có thuốc thư sẽ bị nghi kỵ, xa lánh, không ai còn dám ngồi uống rượu cùng, mua bán gì cũng đều bị từ chối.

Ông Rơ Ô Blố- Trưởng Công an xã Ia Tun cho biết: “Chỉ vì những lời nói đùa trong lúc say rượu, hay mâu thuẫn giữa các cá nhân, bên cạnh đó trình độ nhận thức hạn chế, nên những tin đồn về thuốc thư mới xuất hiện, gây bất hòa trong cuộc sống và gây mất trật tự trị an trên địa bàn. Chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng giải quyết và thường xuyên tuyên truyền pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân nhưng vẫn rất khó để thay đổi được suy nghĩ của họ trong một thời gian ngắn…”.

Chính vì vậy, để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc như thời gian qua và tiến tới xây dựng một nếp sống văn hóa, văn minh tại các xã vùng sâu, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyền truyền pháp luật để loại bỏ hoàn toàn những tập tục lạc hậu.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm