Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại đang phát triển gần 195 ha diện tích sản xuất nông nghiệp thông minh với các chủng loại sản phẩm chính là: Hoa, rau, chè…
Trong đó, chiếm diện tích nhiều nhất là Công ty Dalat Hasfarm với trên 167 ha hoa các loại ở TP. Đà Lạt, huyện Đơn Dương và huyện Lâm Hà; Công ty TNHH Long Đỉnh canh tác 10 ha chè ô long ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà; Công ty TNHH Trường Hoàng ở thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng sản xuất 6 ha lan hồ điệp.
Thu hoạch chè ở Công ty TNHH Long Đỉnh (Ảnh: TL)
Các đơn vị sản xuất nông nghiệp thông minh với diện tích từ 1 ha đến 5 ha gồm: Công ty Cổ phần Pan Saladbowl, Hợp tác xã Thủy canh Việt, Công ty TNHH Dalat GAP và Công ty Fresh Studio.
Còn lại là các đơn vị sản xuất với quy mô nhỏ, diện tích chỉ từ 500m2-1.800m2, ở TP. Đà Lạt và huyện Đơn Dương, như: Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt; Công ty TNHH Trang trại Langbiang; Công ty Cổ phần Chè Cầu Đất…
Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nông nghiệp thông minh là nông nghiệp mà trong suốt quá trình sản xuất ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại; sử dụng các thiết bị được kết nối mạng bên trong và bên ngoài của trang trại/doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để quản lý.
Thời gian qua, Lâm Đồng đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (diện tích sản xuất đạt trên 54.000ha, doanh thu bình quân đạt 169 triệu đồng/ha/năm), song như vậy là chưa đủ, bởi nông nghiệp công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh phải là trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, trong những năm gần đây các doanh nghiệp, trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp, song chủ yếu ứng dụng ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây đã cho doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ha/năm, nhưng quy mô sản xuất vẫn còn tương đối nhỏ lẻ...
Viên Hữu (DNVN)