Không phải mọi âm thanh đều phù hợp với tai trẻ. Có nhiều âm thanh gây cảm giác khó chịu đinh tai, có thể gây tổn thương lâu dài nếu không được điều trị kịp thời.
Tai trẻ có thể bị tổn thương như thế nào?
Mất thính lực bị gây ra bởi những tổn thương do âm thanh và cuối cùng làm chết các tế bào lông (là tế bào thụ cảm) trong tai. Khi tiếp xúc với âm thanh lớn trong suốt thời gian dài, bạn có thể mất dần thính lực. Bởi tổn thương từ âm thanh tiếp xúc thường là từ từ, bạn có thể không nhận ra điều đó hoặc có thể bỏ qua những dấu hiệu bị mất thính lực cho tới khi chúng trở nên rõ ràng hơn. Qua thời gian, các âm thanh có thể trở nên méo mó hay không rõ, bạn sẽ thấy khó nghe và hiểu những gì người khác nói, hoặc phải vặn to tiếng tivi lên.
Cách bảo vệ:
Nên nhớ rằng 1/3 trường hợp mất thính lực (ngoại trừ các lý do tuổi già, gene…) là ngăn ngừa được nếu được bảo vệ đúng cách.
1. Thường xuyên kiểm tra ráy tai: Trường hợp ráy tai gây tắc hay bịt kín lỗ tai, hãy đi khám để được điều trị, không tự xử lý.
2. Dùng phương tiện bảo hộ cho tai: Âm thanh càng to và trẻ càng phải tiếp xúc nhiều với âm thanh này, nguy cơ tổn hại thính lực càng lớn. Hãy dùng phương tiện bảo hộ cho tai - nút tai hoặc trùm/bịt tai - và đưa trẻ ra xa khu vực phát ra tiếng ồn.
3. Vặn nhỏ tiếng nhạc: Không cho trẻ nghe nhạc quá to, nếu nghe nhạc khiến trẻ khó chịu hay không thể nghe thấy các âm thanh bên ngoài nghĩa là tiếng nhạc quá to, cần tránh trường hợp này.
4. Dùng headphone (tai nghe to trùm qua đầu) thay vì ear phone (tai nghe nhỏ nhét thẳng vào lỗ tai): Nếu trẻ muốn nghe nhạc, hãy dùng headphone giúp ngăn tiếng ồn và do đó không cần nghe to. Các loại tai nghe nhét thẳng vào lỗ tai kém hiệu quả trong việc giảm tiếng ồn xung quanh. Cho trẻ nghỉ giữa những lần nghe headphone để tai được nghỉ ngơi. Cương quyết cho âm thanh nhỏ vừa nghe.
5. Cho nhỏ âm thanh: Chỉ cần vặn nhỏ âm thanh một chút thôi cũng giảm đáng kể khả năng gây tổn hại thính lực. Nếu phải nói to mới khiến người khác nghe và hiểu điều bạn nói nghĩa là bạn đang để tiếng nhạc/tivi quá to, hãy vặn nhỏ âm thanh đang nghe.
6. Không cho đồ vật vào tai: Lớp màng trong tai rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên tránh nhét bất cứ thứ gì vào tai trẻ và ngăn không cho trẻ làm như vậy.
7. Tránh xa loa phóng thanh/loa to: Không dùng loa phóng thanh trong xe hay đứng quá gần loa khi tham gia các sự kiện.
8. Dùng nút tai khi bơi: Tai người đi bơi hay bị đau và bị nhiễm trùng vì màng trong tai hay bị sưng do đọng nước trong tai ngoài. Nếu trẻ thường đi bơi, hãy cho trẻ dùng nút tai.
9. Uống nước/nhai kẹo cao su/ mút kẹo khi ngồi trên phương tiện đi du lịch: Nhiều người than phiền rằng tai thấy khó chịu khi máy bay cất/hạ cánh. Nếu ngáp và nuốt không có tác dụng, hãy ấn nhẹ tay lên cánh mũi, hít một hơi thật sâu và chuyển khí lên sau mũi như thể đang thở ra từ từ. Hướng dẫn trẻ làm như vậy để giảm cảm giác đau và khó chịu.
10. Tránh xa khu vực bắn pháo hoa: Đưa trẻ ra xa khu vực bắn pháo hoa thành chuỗi tạo âm thanh quá to để bé không bị tổn hại về thính lực.
Dù không thể hồi phục lại thính lực bị mất, ta có thể ngăn ngừa việc làm thính lực giảm đi. Dấu hiệu báo động là khi thấy như có tiếng chuông trong tai bật tắt trong khi chuẩn bị đi ngủ.
Mai Thương (theo Vnexpress)