Du lịch

Làm gì để Plei Op thu hút khách du lịch?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Du lịch cộng đồng, tham quan và ngủ tại làng (Homestay) đang là một xu hướng phát triển tích cực của nhiều tỉnh miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú. Đây cũng là loại hình thu hút khá nhiều khách du lịch nước ngoài khi đến với các công ty lữ hành Việt Nam.

Gia Lai cũng đã quy hoạch và xây dựng được một số làng người dân tộc Bahnar và Jrai thành các điểm du lịch cộng đồng như cụm 4 làng Đê Ktu (huyện Mang Yang), làng Phung (huyện Chư Pah)… Tuy nhiên đến nay sức hút du khách của các làng này gần như bị chững lại.

 

 

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là việc phối hợp giữa các chủ thể (cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân) tham gia hoạt động du lịch chưa tốt; lợi ích giữa dân làng với các doanh nghiệp lữ hành thiếu sự nhất quán nên dân làng dần mất đi tính năng động trong phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh đó là sự đầu tư về cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế nhưng khi được đầu tư lại thiếu tính nghiên cứu, tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc bản địa chỉ chú trọng tính “bền vững” bằng bê tông hóa sự vật đã vô tình phá vỡ sự tinh túy của văn hóa truyền thống làng, phá vỡ sự hoang sơ, mộc mạc  mà khách du lịch muốn khám phá nên nhiều làng khách đến một lần rồi đi không trở lại và rồi có làng đến nay gần như không còn khách đến.  

Plei Ốp-một ngôi làng người dân tộc Jrai nằm ngay trong địa bàn TP. Pleiku rất thuận lợi cho khách du lịch khi đến Gia Lai. Đây là ngôi làng đã được các nhà quản lý văn hóa TP. Pleiku tạo dựng thành một làng văn hóa du lịch với mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai phục vụ nhu cầu du lịch cho người dân trong tỉnh và du khách quốc tế khi đến và nghỉ tại TP. Pleiku này!

 

Ảnh: Minh Khôi
Ảnh: Minh Khôi

Chính vì vậy trong nhiều năm qua thành phố đã đưa về đây nhiều hoạt động thanh niên, học sinh nhân các ngày lễ; đưa nhiều cuộc thi của ngành Văn hóa thành phố nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng văn hóa du lịch đến với mọi người nhưng hầu như chỉ mang tính hành chính mà thiếu đi tính phối hợp với dân làng, có chăng cũng chỉ với một nhóm dân làng dưới dạng hợp đồng hoặc đặt hàng phục vụ cho một số sự kiện của các nhà quản lý văn hóa địa phương!

Do vậy dân làng rất thờ ơ khi khách tham quan dọc đường làng và ngay cả sự kiện đang tổ chức tại sân nhà rông. Nhà rông không chỉ là biểu tượng, thiết chế văn hóa, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân làng. Thế nhưng nó lại được đặt trên một nền bê tông không bằng phẳng gây khó cho nghệ nhân khi tham gia hoạt động múa xoang và biểu diễn cồng chiêng. Đã vậy, xung quanh nhà rông là những tượng mồ được làm bằng bê tông giả gỗ gây phản cảm cho du khách.

Thiết nghĩ để có được làng văn hóa du lịch Plei Ốp giữa lòng TP. Pleiku đúng theo tên gọi thì cần có những giải pháp nhằm nâng cao vai trò của cộng đồng dân làng. Đó là nâng cao nhận thức cho dân làng về việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống vốn có của họ bằng các lớp bồi dưỡng về những giá trị văn hóa truyền thống làng đang nắm giữ và cách thức khai thác nó thành những sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Cơ quan quản lý các cấp cần sử dụng nguồn vốn đầu tư vào việc hỗ trợ nguồn thu nhập cho người dân phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, phần còn lại xây dựng các kết cấu hạ tầng để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó cần quan tâm đến công tác xây dựng quan hệ đối tác giữa các nhà quản lý địa phương, các doanh nghiệp du lịch, các nhà điều hành tour và các nghệ nhân của làng.

Minh Khôi

Có thể bạn quan tâm