Làm gì để Pleiku "chưa xa đã nhớ"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku là vùng đất có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng. Nhưng làm thế nào để nơi này thực sự trở thành “miền nhớ” trong lòng lữ khách thì hẳn không phải chỉ là câu chuyện của cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực hay chất lượng dịch vụ.
Tạc hồn Phố núi, níu chân lữ khách
Mỗi mảnh đất đều dung chứa một tâm hồn. Ngạn ngữ có câu: “Áo quần quyến rũ lúc gặp mặt, tâm hồn quyến rũ lúc chia tay”. Nếu hiểu nôm na hai chữ “du lịch” là những chuyến đi (phần nhiều để thăm thú, khám phá) thì sứ mệnh của ngành du lịch Pleiku là phải tạc cho kỳ được cái hồn cốt của Phố núi vào lòng du khách. Để những ai từng đến đây luôn mong có dịp trở lại.
Có lẽ, hồn cốt của một miền đất là những nét riêng đã được định hình từ giai đoạn khởi thủy và cứ thế vun bồi qua năm tháng dọc dài. Chuyện ấy được nhắc đến rất nhiều khi bàn về khái niệm “bản sắc du lịch”. Vậy, suy cho cùng thì Pleiku có gì khác, có gì riêng biệt so với các thành phố như: Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Gia Nghĩa, Bảo Lộc, Đà Lạt; hay cũng chỉ mang một sắc màu Tây Nguyên chung chung, khó nhận diện? Hơn ai hết, người làm du lịch phải trả lời được câu hỏi ấy. Để du khách-trong cả một chuyến lữ hành về với Tây Nguyên-dù đã qua ngã sáu Buôn Ma Thuột, dừng chân ở Ga Đà Lạt hay từng đứng ngắm hoàng hôn bên cầu Đak Bla (tỉnh Kon Tum)... vẫn muốn đặt chân đến Pleiku tận mắt ngắm nhìn “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Hẳn khi giới thiệu về bản sắc quê hương, người Pleiku phải cậy nhờ vào những biểu tượng. Như câu cửa miệng: “Chưa đến Biển Hồ xem như chưa đến Pleiku”.
Phải chăng khi nhắc đến khái niệm “biểu tượng”, người ta nhớ ngay đến những di sản. Tây Nguyên có không gian văn hóa cồng chiêng, có mái nhà rông chênh chếch bóng hoàng hôn và “Tượng mồ run rẩy về đâu kiếp người” (Văn Công Hùng)… Nhưng đó không phải “thương hiệu độc quyền” của Pleiku. Hành trình đi tìm chính mình bao giờ cũng khó khăn. Công cuộc hội nhập đã khoác lên thành phố một màu áo mới, cái màu lung linh của tiện nghi đô thị. Điều ấy cần thiết cho sự vươn mình đến những tầm cao nhưng cũng khiến việc tìm thấy Pleiku trong chính Pleiku trở nên khó khăn hơn. Thiết nghĩ, trước khi muốn giới thiệu vẻ đẹp của miền đất này cho người khác thăm thú thì người Pleiku phải tự tìm hiểu, khám phá bản thân mình trước. Không khó để gầy dựng bề nổi của một thành phố cũng như tô vẽ sự hào nhoáng của một con người. Nhưng thử hình dung, khi mọi điểm tựa đều không may mất đi thì chẳng phải chỉ có thể dựa vào hồn cốt của mình hay sao?
Đô thị Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Có thể, Pleiku trong mắt mỗi người là một mảnh hồn riêng. Nhưng tựu trung, điều gì ở xứ sở này đã gợi nên cái rung cảm hồn nhiên cho thơ, nhạc, họa thì đó chính là hồn Phố núi đặt dưới bầu trời cao nguyên lộng gió. Không nắm bắt được mảnh hồn ấy, Vũ Hữu Định làm sao viết được những câu thơ: “Em Pleiku má đỏ môi hồng/ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/nên mắt em ướt và tóc em ướt/da em mềm như mây chiều trong” và nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng khó lòng bật lên câu hát: “Em đẹp thế Pleiku ơi, trái tim tôi muốn vỡ tan rồi”. Không giữ được vẻ đẹp trữ tình ấy cho đất và người Pleiku, du lịch có lẽ chỉ còn đơn thuần là dịch vụ.
Để kiến tạo mảng du lịch, tất nhiên cần tập hợp trí tuệ và sức lực của nhiều người. Nhưng làm gì thì có lẽ cũng chỉ để cho du khách thập phương cái cảm giác như chính nhà thơ Hồng Thanh Quang ở thời khắc tạm biệt Pleiku nhiều năm về trước: “Càng xuống đèo anh càng nhớ em hơn”. Nhớ tức là còn muốn quay trở lại. Du lịch Pleiku nên là thế! Chứ không phải là điểm đến chỉ cần ghé một lần là đủ. Có lẽ hơn lúc nào hết, chúng ta cần nghĩ đến câu chuyện này, khi mà rất nhiều thành phố vốn giàu tiềm năng du lịch và lấy mảng này làm ngành kinh tế “xương sống” lại đang đứng trước nguy cơ “đánh mất mình” với hình ảnh méo mó, biến dạng trong lòng du khách.
Du lịch ký ức
Theo một lẽ tự nhiên nào đó, ký ức đẹp thường ở lâu với con người. Không phải ngẫu nhiên trong ký ức về Pleiku, người ta cứ khư khư cất giữ bóng hình của những “khoảng trời lá thông”, của sương mù giăng phố nhỏ và đồi dốc có hoa quỳ vàng đưa lối… chỉ chừng ấy thôi mà chếnh choáng, chỉ chừng ấy thôi mà nặng lòng. “Plây Ku/Khoảng trời lá thông/Khoảng trời có ô/Khoảng trời có tán/Nắng ràn rụa cháy từng sợi mảnh/Gió thì thầm hát mãi khúc thần ca” (Phạm Đức Long). Rất nhiều người mê cái vẻ khoáng đạt, thơ mộng của Pleiku. Bởi lẽ, sự quyện hòa giữa con người và thiên nhiên làm nên vẻ đẹp bí ẩn, giàu chất thơ cho vùng đất này. Có phải niềm hạnh phúc gắn kết chúng ta với một xứ sở nào đó chính là cảm giác được sống trong thế cân bằng và ổn định với môi trường thiên nhiên? Một số người xa Pleiku lâu ngày, khi quay trở về sẽ không tránh khỏi cảm giác trống vắng trước những đổi thay. Họ cất công tìm lại triền xưa lối cũ chỉ để nhìn thấy thấp thoáng bóng hình xứ sở trong ký ức. Hiện nay, Pleiku cho trùng tu khá nhiều thắng cảnh. Nhưng làm sao để những người từng vui buồn với Phố núi có cảm giác quê hương mình mới mẻ chứ không lạ lẫm? Chúng ta cần ngẫm suy! Du lịch Pleiku đâu chỉ tìm cách cho người ta tìm đến mà còn phải làm gì đó để người ta quay về. Và, hiện tại nếu không đặt trong dòng chảy bắt nguồn từ quá khứ thì hiện tại sẽ ra sao?
Quả thật, giữ lại cho đô thị Pleiku những góc phố dịu dàng là điều cần thiết. Mà góc phố thì làm sao thiếu vắng vòm lá, hàng cây. Việc giữ và trồng mới cây xanh ngay giữa phố một cách hợp lý sẽ làm thành phố thêm xanh, tạo ra nguồn năng lượng xanh. Đó chẳng phải là xu hướng tốt nhất để thích ứng một cách bền vững với thời đại hay sao? Tình cờ, nhiều du khách dành cho Phố núi cái tên nghe thật êm dịu: “Thành phố ngon giấc” bởi đêm nơi này thường đem lại cho những vị khách lạ cảm giác an tĩnh, dễ đi vào giấc ngủ. Có thể, đó chỉ là cảm giác. Nhưng không thể phủ nhận rằng không gian sống xanh tươi, khí trời mát lành cũng góp phần mang lại cảm giác bình yên, thắp lên những giấc mơ xanh trong lòng phố. Pleiku vì thế mà thêm phần đáng yêu và luôn tràn ngập niềm vui sống.
Nếu thật sự yêu Pleiku thì nhìn đâu cũng thấy lòng dâng lên những cảm xúc khó tả. Nhưng khi muốn quảng bá hình ảnh của thành phố mến thương này đến du khách thập phương, nhất là những người say mê du lịch thì trước tiên, chúng ta phải biết được đất và người Phố núi đẹp nhất ở điểm nào. Khi ấy, mỗi cư dân thành phố đều có thể tự tin trở thành đại sứ du lịch đáng yêu nhất. Du lịch Pleiku, để gợi được niềm thương nỗi nhớ, cần nghĩ thật nhiều về câu nói: “Áo quần quyến rũ lúc gặp mặt, tâm hồn quyến rũ lúc chia tay”.
LỮ HỒNG