(GLO)- Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2007 đến nay, tỉnh ta chỉ có 4 doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư 5 dự án gồm: dự án khai thác và chế biến đá của Công ty TNHH một thành viên Đá Viet-Euro-Stone Gia Lai (Cộng hòa Liên bang Đức); dự án chế biến cà phê và nông sản của Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodities Việt Nam (Singapore); dự án nhà máy chế biến cà phê Acom do Chi nhánh Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam tại Gia Lai (Thụy Sĩ); Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai (Singapore) đầu tư 2 dự án là mở rộng nhà máy chế biến nông sản Olam và dự án nhà máy thu mua, sơ chế nông sản. Các dự án hoạt động khá hiệu quả, tình hình sản xuất ổn định góp phần giải quyết việc làm cho 1.261 lao động. Cuối năm 2014, doanh thu của 5 dự án đạt 400,73 triệu USD, tăng 158% so với năm 2013. Riêng quý I năm 2015, doanh thu đạt 59,5 triệu USD, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu đạt 315 triệu USD, tăng 400% so với năm 2013, chủ yếu là xuất khẩu cà phê của Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodities. Trong năm 2014, các công ty này đã nộp ngân sách 450.000 USD.
Sản xuất đá granit tại Khu Công nghiệp Trà Đa. Ảnh: Hà Duy |
Gia Lai có quốc lộ 19 nối từ Cảng Quy Nhơn (Việt Nam) qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, kết nối qua đường 78 đi tỉnh Rattanakiri (Campuchia) và sang các tỉnh Nam Lào, Thái Lan; có quốc lộ 14 đi qua 5 tỉnh Tây Nguyên trong khu vực Tam giác phát triển đi đến Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y qua Attapeu (Lào) về Đà Nẵng, kết nối với quốc lộ 24 đi Quảng Ngãi; quốc lộ 25 đi Phú Yên. Ngoài ra, Gia Lai còn có Cảng Hàng không Pleiku với các chuyến bay hàng ngày đi các tỉnh thành lớn và ngược lại. Điều đó cho thấy Gia Lai là điểm hội tụ giao thương, có điều kiện để phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh thế mạnh giao thông, tỉnh ta là thủ phủ hồ tiêu, diện tích lớn về cao su, cà phê. Chưa kể các lĩnh vực như: điện, phát triển đô thị, công-nông nghiệp, thương mại dịch vụ, giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề… cũng là các lĩnh vực dễ dàng thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. Tiềm năng, thế mạnh là vậy nhưng số dự án FDI của Gia Lai vẫn quá khiêm tốn (Lâm Đồng hiện có 122 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, chiếm 82% tổng số dự án và 61% tổng vốn đầu tư của cả khu vực; Đak Lak 6 dự án với 150 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 4% tổng số dự án và 18% tổng vốn đầu tư của cả khu vực).
Nhiều chuyên gia kinh tế đều nhận xét Gia Lai là vùng có nhiều lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm nghiệp chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học, với các dự án chế biến các loại cây công nghiệp và sản phẩm chủ lực như cà phê, chè, cao su… Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng giao thông đường bộ hiện nay quá yếu kém, các dịch vụ khác như viễn thông, tài chính, công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực còn thiếu tầm nhìn chiến lược, nguồn nhân lực phục vụ các dự án trình độ còn thiếu, yếu… Trong khi đó, bất cứ nhà đầu tư khi đầu tư luôn tính tới bài toán hiệu quả. Nếu không khắc phục những hạn chế trên, công tác thu hút đầu tư vẫn sẽ khó khởi sắc.
Ảnh: Hà Duy |
Trong một cuộc họp về xúc tiến đầu tư, đại diện Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để thu hút được đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, tỉnh cần chú trọng hơn trong công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh cũng như tiềm năng phát triển của tỉnh tới cộng đồng các nhà đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư một số sản phẩm đã được quy hoạch cho cả vùng, những sản phẩm, lĩnh vực nào chưa có quy hoạch phải sớm được quy hoạch, nghiên cứu các sản phẩm đặc thù và tiếp tục đề xuất với Chính phủ cho cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào địa phương. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo về số lượng và yêu cầu về trình độ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Hà Duy