Bạn đọc

Làm rõ thông tin một số cơ sở y tế thiếu thuốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, một số trang báo điện tử đưa tin một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai thiếu thuốc cấp phát cho người dân khi đến khám theo diện bảo hiểm y tế (BHYT). Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc làm việc với các bên liên quan.

Người dân nói thiếu thuốc

Anh N.V.Ký (xã An Trung, huyện Kông Chro) phản ánh với phóng viên khi bị đau bụng phải lên Trạm Y tế xã An Trung để xin thuốc nhưng được các nhân viên thông báo đã hết thuốc. Tương tự, chị L.T.T. (27 tuổi, trú tại TP. Pleiku) cho biết vào ngày 30-12-2015, chị T. đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP. Pleiku để khám bệnh theo diện BHYT. Sau khi thăm khám, chị được kê 3 loại thuốc điều trị bệnh “rối loạn kinh nguyệt” uống trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, lúc ra quầy nhận thuốc thì chị T. được thông báo bệnh viện đã hết các loại thuốc trong đơn và chỉ ra quầy thuốc tư nhân để mua. “Nếu mua thuốc theo đơn tại quầy tư nhân tôi phải mất đến gần 1,5 triệu đồng, nếu được phát thuốc theo BHYT thì tôi đã không bị mất đồng nào. Vì không có tiền nên tôi chỉ mua 3 ngày thuốc”- chị Thu bức xúc và đặt nghi vấn hay là bệnh viện gây khó dễ.

 

Chị L.T.T. người phản ánh đến BVĐK TP. Pleiku khám theo hình thức bảo hiểm y tế nhưng không được cấp thuốc. Ảnh: Hoàng Thanh
Chị L.T.T. người phản ánh đến BVĐK TP. Pleiku khám theo hình thức bảo hiểm y tế nhưng không được cấp thuốc. Ảnh: Hoàng Thanh

Bà Nguyễn Thị Thu Hương-Trưởng khoa Dược BVĐK TP. Pleiku cho biết tại đơn vị này hầu như thuốc nào cũng thiếu và tình trạng này kéo dài đến 4 tháng, đến giữa tháng 1 vừa qua mới chấm dứt do đã mua được thuốc. Với một số loại thuốc đã hết nhưng không thể thiếu nên bệnh viện đã xin và được Sở Y tế đồng ý cho mua về sử dụng.
Lãnh đạo một đơn vị y tế cho biết, không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku mà một số cơ sở y tế cũng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân. Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc là do thay đổi cách thức đấu thầu, thay vì đấu thầu theo hình thức tập trung như trước đây, hiện nay Sở Y tế tổ chức đấu thầu theo hình thức đại diện và giao cho BVĐK tỉnh Gia Lai làm đại diện. Với hình thức mới này phải làm hồ sơ tham gia đấu thầu tới hai lần rất mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, các cán bộ y tế bắt buộc phải học qua lớp lấy chứng chỉ đấu thầu nên rắc rối, mất thời gian.

Nguyên nhân

Ngay sau khi nắm những thông tin về việc thiếu thuốc, ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã cho người đi xác minh. Làm việc với Trạm Y tế xã An Trung qua thực tế và qua số liệu sổ sách, các loại thuốc đang đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Có một người dân tháng nào cũng đến xin thuốc 1-2 lần mà không mang theo thẻ BHYT nên nhân viên ở đây không phát. Ông Đinh Hiơk-Bí thư Đảng ủy xã An Trung xác nhận, chưa bao giờ nghe người dân trên địa bàn phản ánh Trạm Y tế xã thiếu thuốc.   

Khi được phóng viên cung cấp các loại thuốc trong đơn của chị L.T.T được kê tại BVĐK TP. Pleiku, ông Hải cho biết đây là các loại thuốc thông thường, đều được mua hàng năm tại các bệnh viện nên không thể có chuyện thiếu. “Trong năm 2015, toàn ngành Y tế đều đầy đủ thuốc. Tuy nhiên có thể một số bệnh nhân đi khám tại bệnh viện tuyến trên được kê đơn thuốc, tuy nhiên khi về trạm y tế tuyến dưới không có loại thuốc trong danh mục nên không có để cấp”-ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, nếu có đơn vị nào thiếu thuốc thì chỉ tại một thời điểm nhất định, như vậy sẽ cho phép mua bổ sung. “Trong hai kỳ họp HĐND, các cử tri đều không có ý kiến gì về chuyện thiếu thuốc, nếu thiếu thì sao mà chữa trị cho bệnh nhân”-ông Hải thông tin.

Bà Lê Thị Tâm (xã Phú Hòa, huyện Chư Pah)-cho biết, trong nhiều lần đến khám tại BVĐK Chư Pah, bà đều được cấp thuốc đầy đủ theo đơn. Trao đổi qua điện thoại bác sĩ  Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa và bác sĩ Nguyễn Thị Quyện-Giám đốc BVĐK khu vực Ayun Pa đều xác nhận tại đơn vị mình không có tình trạng thiếu thuốc cấp cho người dân.

Theo ông Hải, nhiều năm trước, tỉnh Gia Lai chọn đấu thầu theo phương thức tập trung, với hình thức này rất chậm trễ, mất thời gian và nảy sinh vi phạm pháp luật trong đấu thầu thuốc. Thấy được bất cập, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị Y tế tự đấu thầu thuốc cho đơn vị của mình. Tuy nhiên, do năng lực của các đơn vị cơ sở có hạn nên đã xin ý kiến cho thay đổi. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phải tìm phương thức tối ưu nhất và Sở Y tế đã chọn phương thức đấu thầu đại diện và giao cho BVĐK tỉnh làm đại diện. Ông Trần Duy Linh-Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết thêm, việc đấu thầu theo phương thức đại diện rất hiệu quả, cụ thể trong những năm áp dụng đấu thầu theo cách này thì các danh mục thuốc mua được đều tăng lên, đặc biệt là những danh mục thuốc biệt dược.

Na Dương

Có thể bạn quan tâm