Xã hội

Đời sống

Làm sao để nói chuyện bớt “nhạt”?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một tuần trước lễ Quốc khánh 2-9, tôi nhắn tin hỏi thăm người chị họ: “Chị ơi, chị đang ở đâu vậy ạ?”. Tầm 15 phút trôi qua, tôi nhận được tin nhắn phản hồi từ chị chỉ với vỏn vẹn 2 từ “công ty”. “Công việc dạo này vất vả lắm không chị? Lễ này chị có về quê không ạ?”-tôi nhắn tiếp. “Cũng bình thường, chắc không về được”-chị trả lời. 2 câu trả lời khá “nhạt” và có phần chiếu lệ của chị khiến tôi bỗng dưng chẳng còn hứng thú nữa, mặc dù trước đó có ý định chuyện trò nhiều hơn. Vậy nên, tôi chỉ “dạ” để kết thúc cuộc nói chuyện giữa 2 chị em.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi bị hụt hẫng khi chuyện trò cùng chị. Tôi cũng không phải là người duy nhất cảm nhận chị thiếu tình cảm trong cách nói chuyện. Trước đây, tôi và bạn thân của chị ấy cũng từng tế nhị góp ý nhiều lần với mong muốn chị thay đổi, song cuối cùng, những cuộc nói chuyện giữa chị với mọi người vẫn... “nhạt” như lúc đầu.

Quan trọng hơn, đây cũng sẽ là tiền đề để bản thân mỗi người có thể xây dựng, duy trì những mối quan hệ tốt đẹp cũng như tạo ra nhiều giá trị thành công trong cuộc sống (ảnh minh họa)

Quan trọng hơn, đây cũng sẽ là tiền đề để bản thân mỗi người có thể xây dựng, duy trì những mối quan hệ tốt đẹp cũng như tạo ra nhiều giá trị thành công trong cuộc sống (ảnh minh họa)

Mới đây, khi điều trị bệnh nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi cũng bắt gặp một người tương tự. Hôm đó, cả phòng đang nghỉ trưa thì có chuông điện thoại reo. Một thanh niên-con trai của bệnh nhân giường bên cạnh-đứng lên nghe máy. Sự việc có lẽ sẽ rất đỗi bình thường nếu như anh này không trả lời kiểu “trống không” và cụt ngủn trong suốt gần 3 phút nói chuyện khiến mọi người trong phòng chú ý. Không biết người ở đầu dây bên kia hỏi gì nhưng bên này tôi nghe chỉ quanh quẩn vài từ: “ừ”, “xong rồi”, “có gì đâu”, “không sao”, “thế nhé”… rồi tắt máy. Người mẹ tò mò hỏi về chủ nhân cuộc gọi, người thanh niên buông 1 câu: “Anh Hải nhà bác Phúc hay tin mẹ nhập viện nên hỏi thăm”. “Sao con không cảm ơn Hải một tiếng luôn cho mẹ?”. “Biết nhau cả, câu nệ làm gì”. Người mẹ im lặng sau câu trả lời của con trai. Còn người con, sau khi thấy cả phòng bệnh hướng mắt nhìn mình thì liền bước một mạch ra ngoài hành lang.

Trong cuộc sống thường nhật, có lẽ chúng ta ít nhiều đã từng gặp phải những người có “phong cách” nói chuyện kiểu chiếu lệ và một chiều như vậy. Phần lớn, họ đưa ra lý do rằng vì đang quá bận, một số khác lại quy cho tính cách của bản thân hoặc mặc định mình có quyền nói như vậy. Thế nhưng, tôi lại nghĩ rằng, việc nói chuyện “nhạt” cũng là một loại bệnh nguy hiểm. Bởi lẽ, dù vô tình hay cố ý, nó cũng sẽ âm ỉ, len lỏi, thậm chí có thể phá hủy đi những mối quan hệ tốt đẹp, làm chúng ta mất đi sự thiện cảm và trở nên “xấu xí” hơn trong mắt người khác.

Vậy liệu rằng, “căn bệnh” này có thể chữa khỏi? Dĩ nhiên là hoàn toàn có thể, vấn đề là bản thân chúng ta có thật sự muốn thay đổi hay không. Thời sinh viên, tôi từng tham gia một chương trình rèn luyện kỹ năng sống tại Nhà văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, tôi được nghe một nữ diễn giả nói về nghệ thuật giao tiếp và ứng xử với nhiều nội dung khá hay như: nói nhiều không bằng nói đúng, khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ, lời từ chối hoàn hảo, giao tiếp bằng trái tim, nghệ thuật kết nối trong giao tiếp… Nữ diễn giả ví von, việc giao tiếp cũng giống như nấu ăn. Khi món ăn bị nhạt thì phải thêm mắm, muối hoặc hành, tiêu, tỏi, ớt… vào cho hài hòa, đậm vị.

Ai cũng muốn thưởng thức món ăn ngon và nghe lời nói hay, thiện cảm. Vậy nên, ngoài đảm bảo đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ trong câu giao tiếp để thể hiện sự tôn trọng tối thiểu thì tùy vào ngữ cảnh, đối tượng trò chuyện mà chúng ta có thể biến tấu cách trả lời sao cho tạo được tối đa thiện cảm. Chẳng hạn, với bạn bè, đồng nghiệp cùng trang lứa hoặc nhỏ tuổi hơn, thay vì nói “ừ” thì nói “ừa nè”; thay vì nhắn “ok” hãy nhắn “ố kề”… Đặc biệt, việc tương tác 2 chiều: “hỏi-đáp, đáp-hỏi” trong quá trình trò chuyện cũng vô cùng quan trọng vì nó sẽ tránh tạo ra những khoảng lặng xa cách, ngượng ngùng không đáng có.

Quả thật, chỉ cần thay đổi cách nói chuyện, thêm vài câu chữ thể hiện sự quan tâm tinh tế, chúng ta đã mang lại cho người nghe, người nhận tin nhắn một cảm xúc khác biệt. Quan trọng hơn, đây cũng sẽ là tiền đề để bản thân mỗi người có thể xây dựng, duy trì những mối quan hệ tốt đẹp cũng như tạo ra nhiều giá trị thành công trong cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm