Chính trị

Tin tức

Lần đầu tiên ảnh Bác Hồ in trên báo Quyết Thắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bước sang đầu năm 1964, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tình hình có chuyển biến thuận lợi cho ta. Ở Tây Nguyên Mặt trận B3 được thành lập làm nức lòng nhân dân các dân tộc các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak vì từ đây có thêm lực lượng hùng hậu, chính quy phối hợp tác chiến trên chiến trường cao nguyên.
 

Ảnh Bác Hồ bằng lụa từ năm 1964 do đồng chí Nguyễn Văn Bồng tặng cho phòng truyền thống Báo Gia Lai.

Vào trung tuần tháng 5-1964, ở căn cứ Krong có một sự kiện đến với báo Quyết Thắng (Gia Lai), đó là đoàn làm phim nước ngoài được Trung ương giới thiệu vào chiến trường Tây Nguyên và họ xin quay cảnh làm báo với công nghệ in thô sơ của ta (in thạch bản). Một số đồng chí in li tô thành thục, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Bồng làm Trưởng bộ phận in báo đã thực hiện nhiều công đoạn in li tô rất kỳ công, tỉ mỉ. Từ khâu viết chữ ngược trên phiến đá đến việc chế biến mực in đến khâu in cho ra sản phẩm  được anh em thực hiện một cách đẹp mắt, nhanh gọn khiến đoàn làm phim rất thích thú, thán phục và hài lòng vì đã có những thước phim tư liệu quý hiếm. Mấy ngày sau đó, cơ quan Tuyên huấn có tổ chức làm lễ sinh nhật Bác Hồ (19-5), kết hợp tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới. Đồng chí Nguyễn Văn Bồng kể: Việc trang trí cho buổi lễ rất đơn sơ, giản dị, không có cờ Đảng, cờ Tổ quốc, chỉ có lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng bé tí được treo lên với chiếc bình đông cắm mấy nhành hoa rừng. Đoàn làm phim hỏi tôi bằng tiếng Việt lơ lớ “Làm lễ gì ?”; tôi nói “-Làm lễ kết nạp đảng viên mới”. Ông Trưởng đoàn làm phim biết chúng tôi không có ảnh Bác Hồ nên lấy ra từ trong túi xách của mình một tấm hình Bác Hồ dệt bằng lụa còn mới tặng cho tôi. Tôi vô cùng vui mừng, cảm ơn rối rít. Tôi liền chặt le làm khung để lồng ảnh Bác rồi cẩn trọng đặt dưới lá cờ Mặt trận làm cho buổi lễ thêm phần long trọng. Từ đó, lãnh đạo Ban Tuyên huấn chỉ đạo bộ phận li tô phải nghiên cứu tìm cách in được ảnh Bác Hồ lên báo Quyết Thắng để phát cho các cơ quan, ban ngành và đồng bào trong vùng giải phóng. Với quyết tâm và óc sáng tạo của anh em trong bộ phận in, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Văn Bồng đã dày công nghiên cứu thực hiện công việc đầy khó khăn này. Lúc đó, anh em không ai biết vẽ; mà dẫu có họa sĩ đi nữa cũng không thể nào vẽ được trên mặt đá trơn, lại vừa vẽ ngược mới khó.

Đồng chí Bồng kể lại: Với quyết tâm làm cho kỳ được, chúng tôi chùi rửa phiến đá cho sạch, phơi khô để nguội, dùng giấy than, đặt bề láng mực xuống mặt đá, lấy tấm hình Bác đặt sấp lên trên giấy than, dùng bút chì kẻ phía sau hình Bác, cẩn thận từng chi tiết nhỏ, từng cọng tóc, sợi râu. Nét bút chì ấn xuống giấy than in sau mặt đá toàn bộ hình Bác Hồ. Bấy giờ, chúng tôi mới gỡ giấy than và tấm hình ra, bắt đầu đồ lại bằng mực viết li tô rồi lên cốt bằng nước chanh, rửa lại thật sạch, kê dựng lên, không để con vật gì rơi hay bò lên đó. Ngày hôm sau khi cứng cốt, chúng tôi thoa nước chanh loãng một lần nữa, tạt nước sạch, lấy ru lô mực lăn đều lên phiến đá rồi đặt tờ giấy trắng lên, dùng ru lô lăn qua giấy, nắm góc tờ giấy kéo ngược về sau, lúc này mặt giấy in hình Bác Hồ rõ y hệt trong bức chân dung. Chúng tôi mừng reo như nhặt được của quý. Từ đó, hình Bác Hồ khi có dịp chúng tôi lại đăng lên báo. Đặc biệt là hàng năm, vào ngày Tết Nguyên đán, chúng tôi in trang trọng chân dung của Bác Hồ và bài thơ chúc Tết của Người trên trang nhất của báo để gửi cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong tỉnh.

Khi chiến dịch Mậu Thân 1968 nổ ra, đồng chí Bồng cùng anh em in li tô được điều động mang toàn bộ phương tiện in ấn để theo đoàn quân vào tiếp quản thị xã Pleiku. Anh em theo các cánh quân chưa vào đến thị xã thì bị địch phát hiện và chúng kiềm chế chúng ta bằng hỏa lực rất mạnh. Trên đường rút lui, anh Bồng mang phiến đá in cùng bức chân dung Bác Hồ bằng lụa vượt vòng vây của địch. Một loạt đạn găm vào sau ba lô có phiến đá khiến anh ngã chúi tới trước. Khi về đến nơi an toàn, anh Bồng mở ba lô xem lại thì phiến đá trúng đạn vỡ làm 4 mảnh, quần áo đem theo bị xuyên thủng nhiều lỗ nhưng tấm ảnh Bác Hồ vẫn còn nguyên vẹn. Anh tâm sự: Lúc ấy tôi bùi ngùi xúc động; nhìn thấy ảnh Bác đôi mắt vẫn sáng ngời nhìn tôi như  nở nụ cười thản nhiên-Bác cháu ta vẫn bên nhau suốt đời!

Mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Bồng đã đem kỷ vật-tấm ảnh Bác Hồ bằng lụa năm nào trong kháng chiến tặng lại cho phòng truyền thống Báo Gia Lai. Đây là tư liệu, hiện vật quý có giá trị lịch sử của báo chí nói riêng và lịch sử cách mạng nói chung của tỉnh nhà.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm