8 tháng đầu năm đã trôi qua, nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều cá nhân, DN thậm chí không thể tiếp tục cầm cự, dẫn đến hàng loạt các cửa hàng phải đóng cửa, treo biển cho thuê, sang nhượng cửa hàng.
Nhiều hộ kinh doanh ở những khu phố đắc địa ở Hà Nội phải trả lại mặt bằng kinh doanh. |
Ghi nhận tại TP HCM cho thấy, hàng loạt cửa hàng ở trung tâm Quận 1, Quận 3 đã đóng cửa hoặc treo biển sang nhượng địa điểm. Không ít người đã kỳ vọng có thể hồi phục sau thành công của Việt Nam chống dịch Covid-1 giai đoạn 1. Tuy nhiên, khi làn sóng thứ hai ập tới, thì chính thức họ không cầm cự được nữa. Một con số thống kê gần đây được đưa ra: Từ đầu tháng 8 đến nay, 15 cửa hàng kinh doanh thời trang của Công ty thời trang Nguyên Sa (Catsashop) doanh thu sụt giảm đến 50% so với tháng 7 khi người dân hạn chế đi lại, e dè mua sắm. Trong khi đó, công ty này vẫn phải "gánh" trên vai một chi phí mặt bằng rất lớn, hơn 400 triệu đồng cho 15 cửa hàng ở TP HCM. DN này buộc phải tính đến phương án thương thảo lại với chủ nhà mong tìm phương án hỗ trợ. Tuy nhiên vẫn chưa nhận được “tín hiệu xanh”.
Tương tự, các chủ cửa hàng kinh doanh tại các khu vực buôn bán sôi động nhất Hà Nội như chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào, phố Huế… tiếp tục rơi vào cảnh đìu hiu. Dạo một vòng quanh khu phố cổ, rất dễ thấy hàng loạt biển thông báo chuyển nhượng cả hàng. “Đất vàng, đất bạc” Hàng Ngang, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Bông… vốn khó chen chân, là nơi kinh doanh đắc địa của dân làm khách sạn, tour du lịch hay các cửa hàng spa, shop thời trang nay cũng lâm cảnh “chợ chiều”, thậm chí buộc phải đóng cửa. Chị Kim Hoa, chủ một cửa hàng bán quần áo thời trang ở phố Hàng Đào chia sẻ, suốt nửa năm nay doanh thu bán hàng của cửa hàng đã giảm 80-85%. “Hiếm lắm mới có khách mua hàng, khác hẳn so với không khí mua bán tấp nập trước khi có dịch bệnh”- chị Hoa nói.
Quan sát thực tế cũng cho thấy, lượng khách du lịch dạo phố cổ ngày một ít, người dân cũng không còn “dập dìu” mua bán như xưa. Điều này khiến cho hàng loạt hộ kinh doanh phải nhượng lại cửa hàng hoặc trả mặt bằng. Do dịch bệnh, ước tính đã có tới 50-60% khách thuê cửa hàng kinh doanh khu vực phố cổ Hà Nội đã trả lại mặt bằng.
Covid-19 không chỉ tác động đến các hộ kinh doanh nhỏ mà còn làm các DN kinh doanh lớn, thậm chí chuỗi nhà hàng cũng lao đao. Nhiều DN đã phải trả lại mặt bằng hớn 100 m2 trên các khu vực đắc địa của phố Phan Chu Chinh, Văn Miếu, Lý Thường Kiệt, Hàng Tre…
Thực tế trên đang cho thấy, mặc dù không áp dụng đồng loạt các biện pháp gãn cách xã hội, nhưng hàng loạt DN nhỏ và vừa lẫn các chủ hộ kinh doanh đã không thể trụ thêm được nữa. Họ đã phải lựa chọn cách khác để “bảo toàn”, chấp nhận nhường lại vị trí đắc địa cho người khác. Theo các chuyên gia kinh tế, đây chính là cơ hội để DN, tiểu thương tìm hướng kinh doanh mới.
Theo phân tích của ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các mặt bằng kinh doanh là nhà phố mặt tiền bị bỏ trống tại khu trung tâm TP HCM. Thứ nhất, giá thuê mặt bằng ở khu này bị đẩy lên quá cao, vượt qua ngưỡng chịu đựng của khách thuê. Thứ hai, sức mua giảm, tình hình kinh doanh sa sút. Dù hiện nay việc thương lượng giá thuê thấp hơn và rút hợp đồng thuê ngắn lại, nhưng nếu làm ăn không thuận lợi, doanh thu thường xuyên xuống mức thấp rất dễ khiến khách thuê trả lại mặt bằng để cắt lỗ. Thứ ba, phụ thuộc khá nhiều vào khách quốc tế. Mặt bằng kinh doanh ở khu trung tâm thường bán các mặt hàng cao cấp, nhắm đến khách quốc tế và phụ thuộc vào nhóm khách hàng này. Thứ tư, tâm lý chờ điểm rơi an toàn, tạm thời thu hẹp việc kinh doanh cho đến khi dịch trên toàn cầu được kiểm soát. Ngoài ra, làn sóng kinh doanh trực tuyến tăng mạnh trong đại dịch đang làm thay đổi nhu cầu thuê mặt bằng nhà phố.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, xu hướng dịch chuyển bán hàng online đang mở ra “cửa sáng” cho nhiều DN, lẫn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Lâu nay, vì quá tin tưởng thậm chí lệ thuộc vào cách bán hàng truyền thống nên có thể nhận ra sức ì của nhiều DN. Nhưng khi Covid-19 ập đến, chúng ta đã thấy sự dịch chuyển của nhiều DN khi họ cũng chấp nhận bán hàng qua mạng, thực hiện nhiều chiêu thức giảm giá, quảng cáo trên mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và khai thác bất động sản ATVPRO, “trong cái rủi lại có cái may”, khi “cơn sốt mặt tiền” không còn phổ biến, xu hướng bán hàng online sẽ “lên ngôi”. Đây là một xu thế tích cực, phù hợp trong thời đại công nghệ lên ngôi.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, mua bán online là một xu thế tích cực trong dịch Covid-19, xu thế này khiến “mặt tiền vàng, mặt phố vàng” không còn chiếm thế độc tôn trong kinh doanh bán lẻ. “Trên thực tế, nhiều DN, tiểu thương nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh bán hàng đa kênh online thu hút người tiêu dùng”, ông Phú nói.
Một ý kiến đến từ CBRE Việt Nam cũng cho rằng, “thương mại điện tử là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đồng thời giúp cho khả năng bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới”.
Ở một khía cạnh khác, có một số chủ DN hay các tiểu thương khác lại tranh thủ cơ hội này để tìm kiếm được những vị trí đắc địa mà trước nay khó lòng “chen chân”. Không chỉ tìm kiếm được vị trí ưng ý, họ còn có thể đàm phán với chủ mặt bằng để có được “giá tốt” nhằm ký hợp đồng dài hạn. Cũng có người nắm bắt cơ hội để trả địa điểm cũ chuyển sang địa điểm mới một cách “ngoạn mục”.
Vân Hằng/Daidoanket/Dân Việt