Thể thao

Thể thao cộng đồng

Lặng lẽ V-League

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
CLB TP.HCM tập luyện trước mùa giải 2019. Ảnh: CLB CUNG CẤP
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, mùa bóng mới 2019 khởi tranh, thế nhưng không khí giải vô địch quốc gia hàng đầu của VN (V-League 1) lại khá bình lặng với các cuộc chuẩn bị rất yên ắng của các CLB.
Hầu như không có thương vụ chuyển nhượng đình đám nào xảy ra, cho dù các tuyển thủ VN vừa có cuộc trình diễn ấn tượng tại Asian Cup 2019. Chỉ có vài sự chuyển đổi đáng chú ý như Hà Nội tuyển mộ được thủ môn Bùi Tiến Dũng từ Thanh Hóa; Viettel có Quế Ngọc Hải, Vũ Minh Tuấn; TP.HCM có Ngô Hoàng Thịnh, Phạm Văn Thành; còn Trọng Hoàng trở về SLNA. Nhưng đổi lại là cuộc xuất ngoại của 3 tuyển thủ Văn Lâm, Công Phượng, Xuân Trường. Ngay cả việc V-League hứa hẹn sử dụng công nghệ VAR để giảm thiểu những tranh cãi về công tác trọng tài suốt nhiều năm qua cũng không tạo nhiều sự chú ý cho người hâm mộ.
Có nhiều lý do để giải V-League càng lúc càng buồn tẻ. Yếu tố quan trọng là tình hình tài chính của phần lớn các CLB đều không ổn định và rõ ràng. Mỗi mùa qua đi sự đầu tư chưa tới, đào tạo trẻ vẫn được chăng hay chớ và đều có sự biến động, khiến đội bóng không thể phát triển một cách bền vững nhất.
Mới đây, việc LĐBĐ châu Á (AFC) công bố tiêu chuẩn các CLB đủ chuẩn chuyên nghiệp đã cho thấy rõ sự sa sút của V-League, khi chỉ có 3/14 CLB là Hà Nội, Becamex Bình Dương và SHB Đà Nẵng đáp ứng dự giải AFC Champions League, trong khi 2 CLB Than Quảng Ninh và Sanna Khánh Hòa BVN thì chỉ đủ chuẩn dự AFC Cup. Con số CLB đạt chuẩn chuyên nghiệp này của V-League ít hơn so với Thai League khi họ có tổng cộng 9 CLB, thua xa giải Liga 1 của Indonesia (10 CLB), Super League của Malaysia (8 CLB), thậm chí Myanmar còn có tới 11 CLB đủ chuẩn dự các giải châu Á.
Sự chênh lệch này thực sự nghịch lý, vì đối chiếu 1 năm qua và kỳ Asian Cup mới đây, thì tuyển VN và các đội trẻ như U.23 hay Olympic đều tạo nhiều kỳ tích ở các giải tầm châu lục, giữa lúc các đội tuyển trong khu vực từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Myanmar đều chựng lại và dưới tầm.
Tuy nhiên, như lời HLV Park Hang-seo trong cuộc phỏng vấn với tờ Khaleej Times (UAE): “Đúng là bóng đá VN đã có một bước tiến lớn, nhưng cũng khá may mắn. Và để tiến xa hơn như kỳ vọng hiện nay đòi hỏi cần có sự chuẩn bị thêm rất nhiều thứ. Các học viện đào tạo cầu thủ trẻ VN thời gian qua làm tốt công việc của mình, nhưng vẫn còn ít, chưa đồng bộ, nhiều học viện vẫn còn nhiều thiếu thốn. Nền tảng từ CLB chưa mạnh”.
Nhận xét đó chỉ để nói lên một điều, muốn bóng đá VN phát triển bền vững thì hệ thống các giải vô địch quốc gia, các CLB cũng phải thực sự thay đổi về chất. Với tình hình V-League có vẻ ảm đạm như hiện nay, rõ ràng bóng đá VN khó mạnh lên một cách ổn định. Hơn ai hết, VFF cần phải quyết liệt và mạnh mẽ thay đổi bộ mặt của V-League, có những định hướng để CLB phải thực sự mạnh và chuyên nghiệp, khi đó bóng đá VN mới thực sự sang trang.
Giang Lao (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm