Làng người Kinh đầu tiên ở nội thành Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Tây Nguyên, những năm đầu thế kỷ XX, mảnh đất Pleiku đã ghi dấu sự có mặt của các nhóm người Kinh từ đồng bằng lên định cư. Tại khu vực nội thị, ngôi làng người Kinh đầu tiên được hình thành có tên là Hội Phú với gần 20 hộ dân sinh sống. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, không ít gia đình vẫn gắn bó bền chặt với nơi này và trở thành mảnh ghép không thể thiếu của phố núi Pleiku.
1. Theo Lịch sử Đảng bộ TP. Pleiku (1945-2005), khu vực trung tâm Pleiku xưa kia chỉ có các làng đồng bào dân tộc Jrai sinh sống như: Kring Dêr, Blo, Ngo, Ốp, Roh... với làng gốc mang tên Pleiku. Xung quanh đều là rừng rậm bao trùm, cảnh vật khá hoang sơ. Mãi đến đầu thế kỷ XX, người Kinh mới đến đây lập nghiệp. Trong số đó, ông Nguyễn Sĩ (quê ở thôn Xuân Yên, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã mộ được gần 20 gia đình lên lập làng vào khoảng năm 1905, lấy tên là Hội Phú (vị trí làng tại đường Lê Lai hiện nay). Đây là làng người Kinh đầu tiên ở nội thị Pleiku lúc bấy giờ. Sau này, dân cư đông đúc hơn, làng được tách ra lập thêm làng Hội Thương. Mỗi làng đều có đình làng thờ thành hoàng và các ông “chủ mộ” (người đầu tiên mộ dân từ đồng bằng lên lập làng) khi qua đời.
Khu vực đường Lê Lai trước đây là làng Hội Phú-làng người Kinh đầu tiên ở nội thành Pleiku. Ảnh: Hồng Thi
Từ cứ liệu lịch sử ấy, tôi bắt đầu hành trình kiếm tìm ký ức về cuộc di cư lập làng Hội Phú cách đây hơn 1 thế kỷ. Khởi sự khá mông lung khi hầu hết bậc cao niên am tường hoặc từng biết đến vấn đề này trên địa bàn hiện nay đều đã qua đời. Tuy nhiên sau đó, tôi may mắn gặp được một cán bộ Ban Tuyên giáo Thị ủy Pleiku trước đây. Ông đã tiết lộ cho tôi về những tư liệu quý có được trong suốt 3 năm điền dã của mình và đồng nghiệp để xây dựng cuốn sách “Thị xã Pleiku-60 năm đấu tranh và xây dựng” xuất bản vào năm 1994, trong đó có nội dung liên quan đến làng Hội Phú. Song khó khăn là đã 30 năm rồi, ông chưa gặp lại những nhân chứng năm xưa; còn người từng cung cấp thông tin cho ông là bà Nguyễn Thị Hảo-Ni sư chùa Long Tuyền (64 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku), cháu nội ông Nguyễn Sĩ cũng đã qua đời.
Không bỏ cuộc, tôi tiếp tục kiếm tìm những hậu nhân của ông “chủ mộ” Nguyễn Sĩ năm nào. Sau nhiều ngày, cuối cùng, tôi cũng gặp được bà Nguyễn Thị Pháp-chị ruột của bà Nguyễn Thị Hảo hiện cư trú tại hẻm 233 Hùng Vương. Ở tuổi 97, bà Pháp khá yếu nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Nghe tôi hỏi thăm về chuyện mộ dân lập làng của ông nội mình, bà chia sẻ với giọng đầy tự hào: “Từ nhỏ, chị em chúng tôi đã được nghe ông bà, cha mẹ kể lại rằng ông nội tôi vốn là dòng dõi quan lại ở Huế, cùng gia đình vào Nam lập nghiệp ở Bình Định. Lúc còn thanh niên, ông nội theo các linh mục thừa sai lên Kon Tum, sau thì qua Pleiku. Thời gian đó, ông trở về Bình Định, mộ dân khoảng vài chục gia đình lên lập làng tại vùng đất bằng phẳng ở gần chợ Mới (Trung tâm Thương mại Pleiku-P.V) lấy tên là Hội Phú. Khi thực dân Pháp lập đồn trại gần đó đã đuổi dân làng xuống ở từ “nhà dây thép” (Bưu điện tỉnh-P.V) đến cầu Hội Phú. Sau này, dân cư đông nên chia làm 2 làng: từ ngã ba Diệp Kính trở lên theo hướng Bưu điện tỉnh là làng Hội Thương, còn trở xuống là làng Hội Phú. Dân làng khi đó coi ông nội tôi là “chủ mộ” và là một vị tiền hiền, sau khi mất được thờ cúng trong đình làng. 
Mảnh đất xưa từ thuở lập làng của gia đình ông Nguyễn Sĩ tại Pleiku vẫn được con cháu chia nhau giữ gìn cho đến hôm nay. Ảnh: Hồng Thi
Cũng theo lời kể của bà Pháp, khu vực trung tâm Pleiku ngày đó vẫn còn cây cối rậm rạp, núi đồi nhấp nhô, đường sá nhỏ hẹp. Đặc biệt, thời tiết rất giá lạnh khiến nhiều người quen sống ở xứ đồng bằng khô nóng gần như không chịu nổi với nhiệt độ thấp trên vùng đất mới. “Cha mẹ tôi kể, khi trời trở lạnh, ngay cả việc vo gạo nấu cơm cũng phải sử dụng đũa chứ không thể dùng tay. Không ít người cảm lạnh, kể cả sốt rét rồi qua đời, trong đó có bà nội tôi. Nhưng rồi, qua thời gian, họ cũng thích nghi dần với cuộc sống mới, lượng người lên đây sinh sống ngày một đông”-bà Pháp nói.
Dẫu nhiều năm đã trôi qua nhưng câu chuyện mộ dân lập làng thuở trước vẫn được các thành viên trong dòng họ này nhắc nhớ như một niềm tự hào qua bao thế hệ. Đáng chú ý, mảnh đất xưa từ thuở lập làng của gia đình vẫn được con cháu chia nhau giữ gìn cho đến tận ngày nay. Ông Trần Hữu Ninh (tổ 5, phường Hội Thương)-chắt ngoại của ông Nguyễn Sĩ-cho hay: “Khi Pháp tái chiếm thị xã Pleiku, gia đình ông bà ngoại tôi tản cư về Phú Thọ (nay là xã An Phú), vài năm sau thì quay về xin lại nhà cũ để ở. Hiện chúng tôi vẫn đang sinh sống trên chính mảnh đất của gia đình. Ngày 16 tháng Chạp hàng năm, chúng tôi thường tập trung về tảo mộ ông bà, cha mẹ ở xã An Phú và cúng tưởng nhớ tại nhà từ đường ở 214 Hùng Vương, TP. Pleiku. Đây là dịp để các thành viên hiểu thêm về truyền thống của gia đình, dòng họ. Cùng với niềm tự hào, chúng tôi còn thấy thêm gắn bó, trân quý mảnh đất Pleiku này”.
2. Cuối đông, tiết trời Pleiku se sắt lạnh. Xuôi theo đường Hùng Vương hướng từ ngã ba Diệp Kính đến cầu Hội Phú, tôi dừng xe trước ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Yến (94 tuổi). Đang cặm cụi bổ cau bên khay trầu, bà Yến ngẩng lên khi nghe lời chào từ khách lạ. Tay với lấy chiếc remote giảm nhanh âm lượng ti vi, miệng không ngừng bỏm bẻm nhai trầu, bà cười hiền bảo: “Cháu tìm đúng người rồi đấy!” khi nghe tôi trình bày về mục đích ghé thăm của mình.
Theo lời chiêu mộ của ông Nguyễn Sĩ, bà ngoại của bà Yến từ Bình Định lên Pleiku sinh sống một thời gian, sau đó trở lại quê nhà để con gái mình-tức mẹ bà Yến-cùng chồng lên đây lập nghiệp. Hai chị em bà Yến được sinh ra trên quê hương thứ 2 đầy nắng gió. Bà Yến cho biết: “Trước khi định cư ổn định tại làng Hội Phú, cha mẹ tôi làm phu cho người Pháp tại đồn điền chè Bàu Cạn. Hồi đó, cả vùng nội thị chỉ có trên dưới 100 nóc nhà của người Kinh. Căn nhà cũ lúc bấy giờ cách nơi ở hiện nay vài trăm mét, được dựng bằng tre, vách đất, mái lợp tranh trên một triền đất cao. Muốn lên/xuống nhà phải đào mấy bậc tam cấp. Nước uống lấy từ suối thượng nguồn chảy về qua ống lồ ô. Hàng ngày, ngoài sản xuất nông nghiệp, mẹ tôi còn mua lại cá, tôm, cua... của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa để ra chợ bán lại, trang trải cuộc sống”.
Bà Nguyễn Thị Yến (tổ 5, phường Hội Thương) tự hào khi gia đình mình là một trong những cư dân người Kinh đầu tiên ở đồng bằng lên định cư tại phố núi Pleiku. Ảnh: Hồng Thi
Kế sau khu vực trung tâm Pleiku, tại một số vùng phụ cận, làng người Kinh mọc lên ngày càng nhiều. Ở phía Bắc có các làng: Tiên Sơn, Ngô Sơn (còn gọi là An Hòa), Hiển Sơn (còn gọi là Hầu Bầu), Trà Đa; phía Đông có 5 làng gồm: Phú Thọ, Nguyên Lợi, Quảng Định, An Mỹ, Trà Nhá; phía Nam có làng Gia Tường, Trà Bá... Tháng 6-1946, thực dân Pháp tái chiếm Pleiku, một số đông người Kinh ở nội thị và các làng vùng ven tản cư về đồng bằng. Nội thị chỉ còn khoảng 100 gia đình với trên 350 dân ở rải rác từ đầu đường Lê Lai đến cầu Hội Phú, từ ngã ba Diệp Kính đến Trường THPT Bán công Pleiku (nay là THPT Phan Bội Châu) và ở xóm Cây Mê-Am Bà (đường Nguyễn Văn Trỗi). Gia đình bà Yến là một trong số đó. Từ lâu, cha mẹ bà đã xem mảnh đất Pleiku là quê hương thứ 2 của mình. Còn với bà, mặc kệ ai phủ nhận, bà vẫn khăng khăng với tôi rằng mình là “dân Pleiku chính gốc”. Không chỉ bà mà tất cả 13 người con và trên 20 cháu, chắt của bà hiện đều đang sinh sống và làm việc tại Pleiku, góp phần xây dựng thành phố ngày càng xanh-sạch-đẹp-văn minh.
...Từ ngôi làng người Kinh đầu tiên chỉ với vài chục nóc nhà, nội thành Pleiku giờ đây đã trở nên đông đúc và sầm uất. Đúng như lời bà Yến nhận định: “Thành phố hôm nay đã đổi thay quá nhiều, bộ mặt khang trang và hiện đại. Kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Tôi cũng rất tự hào khi gia đình mình là một trong những hộ người Kinh đầu tiên đến đây sinh sống và trở thành một phần của thành phố trong suốt tiến trình phát triển hơn 100 năm qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy những điều tốt đẹp và đầy ý nghĩa ấy!”.
HỒNG THI