Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2015), sáng 27-7, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự lễ dâng hương tưởng niệm có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.
Cùng dự lễ dâng hương tưởng niệm còn có các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và cán bộ lão thành cách mạng.
Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ”.
Trong tiếng Quân nhạc cử bài “Hồn tử sỹ,” các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu nghiêng mình tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc.
Tiếp đó, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại."
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đã bày tỏ niềm thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Cùng ngày, các Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an Trung ương-Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm di tích lịch sử-văn hóa Ba Đình đã đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất đã không tiếc máu xương, công sức, của cải để gìn giữ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; xây đắp giang sơn tươi đẹp cho muôn đời con cháu.
Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, viết nên những trang sử vẻ vang trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước; đã anh dũng hy sinh trên chiến trường hoặc mang trên mình thương tật suốt đời.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó. Các thế hệ người Việt Nam sẽ luôn luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.
Với truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước.
Kể từ đó, ngày 27-7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam.
Thấm nhuần sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, 68 năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đền ơn, đáp nghĩa, ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng; không ngừng hoàn thiện và thực hiện có kết quả các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và gia đình.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, có hiệu quả thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của nhân dân Việt Nam...
Theo TTXVN