(GLO)- Ngày 3-2-1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản Việt Nam gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành một Đảng duy nhất là “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đảng đã kết hợp đúng đắn Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa yêu nước, truyền thống quý báu của dân tộc, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành lấy thắng lợi qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và ngày nay là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Ảnh: Thanh Nhật |
Cùng với sự ra đời của Đảng, trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng tại Gia Lai, chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập vào ngày 1-10-1945, với 9 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Đường làm Bí thư chi bộ. Đây cũng là Ban Vận động thành lập Đảng bộ tỉnh. Được sự nhất trí và chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ, ngày 10-12-1945 Đảng bộ tỉnh Gia Lai chính thức được thành lập với tên gọi là “Đảng bộ Tây Sơn”, là bước phát triển mới và nhân tố quyết định cho thắng lợi của cách mạng tại Gia Lai. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời gồm 5 người do đồng chí Phan Thêm-Phái viên Xứ ủy Trung kỳ làm Bí thư. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên cũng như việc thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử phong trào cách mạng địa phương.
Sau khi thành lập, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo củng cố chính quyền cách mạng các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, vận động nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến, phát triển lực lượng chính trị và vũ trang, đánh địch cả về quân sự, chính trị, kinh tế, làm thất bại âm mưu của địch. Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên mới, thành lập các chi bộ xã với đa số đảng viên người dân tộc thiểu số. Đến năm 1952, toàn tỉnh có 2.493 đảng viên, sinh hoạt trong 53 chi bộ-trong đó có hơn 50% đảng viên là người dân tộc thiểu số và đến năm 1954 đã có 1.100 đảng viên dân tộc thiểu số. Cùng với cả nước, từ năm 1954 đến 1975 Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Gia Lai tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh làm thất bại các âm mưu chiến lược của Mỹ, tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi, giải phóng tỉnh Gia Lai vào ngày 17-3-1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975, cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ảnh: Thanh Nhật |
Đảng bộ tỉnh Gia Lai tập trung lãnh đạo thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lãnh đạo khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, từng bước tạo sự phát triển ổn định kinh tế-xã hội. Từ năm 1986 đến nay, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng và thế mạnh, đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Gần đây nhất là qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010-2015), Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kinh tế tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô GDP của tỉnh tăng 43,7% so với năm 2010 (bình quân mỗi năm tăng trưởng đạt bình quân 12,86%). Quy mô GDP đạt 42.009 tỷ đồng-tăng 105% so với năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt 30,7 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng (nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 38,04%, công nghiệp-xây dựng chiếm 32,92%, dịch vụ chiếm 29,03%). Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất. Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng, nhất là các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, tiêu. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng bình quân 7,62%/năm (kế hoạch 5 năm 2011-2015 đề ra là 6,2%). Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá toàn diện. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng bình quân 27,97%/năm. Hệ thống thương mại phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô hoạt động ở cả thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Hoạt động xuất khẩu chuyển biến tích cực, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 9,85%/năm.
Cùng với công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, qua 70 năm xây dựng và phát triển với 14 lần đại hội, Đảng bộ Gia Lai luôn chú trọng lãnh đạo công tác xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị tư tưởng, tổ chức, kiểm tra giám sát. Trong đó, công tác phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở đảng đã đạt những thành quả lớn. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm đảm bảo quy định. Đến cuối năm 2012 Đảng bộ tỉnh không còn thôn, làng, tổ dân phố “trắng” đảng viên. Riêng năm 2014 toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp 3.045 đảng viên mới-đạt tỷ lệ 7,12% so với tổng số đảng viên đầu năm (vượt 1,12% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2014). Đến nay toàn Đảng bộ tỉnh có 45.805 đảng viên. Công tác kết nạp đảng viên đã góp phần hoàn thành sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, đồng thời là đảng bộ tỉnh đầu tiên trong khu vực Tây Nguyên hoàn thành công tác xóa “trắng” thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên và tổ chức đảng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Đảng bộ tỉnh Gia Lai hiện có 22 đảng bộ trực thuộc (gồm 17 huyện, thị, thành ủy và 5 đảng ủy trực thuộc), 1.001 tổ chức cơ sở đảng (349 đảng bộ cơ sở, 652 chi bộ cơ sở, 3.889 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở).
Khen thưởng các tập thể có thành tích tiêu biểu trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Ảnh: Thanh Nhật |
Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đang tiếp tục triển khai việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại sau hai năm thực hiện Nghị quyết, đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên được chú trọng. Đã tập trung thẩm tra, xác minh, làm rõ các vấn đề nổi cộm và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, biện pháp khắc phục những vấn đề đã kết luận sau phê bình kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), gắn với học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của địa phương trong giai đoạn mới.
Thanh Nhật