Chính trị

Tin tức

Lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 10-12-1945, Đảng bộ tỉnh Gia Lai chính thức được thành lập với tên gọi là “Đảng bộ Tây Sơn”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời gồm 5 người do đồng chí Phan Thêm-Phái viên Xứ ủy Trung kỳ làm Bí thư. 
 

Một góc TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật

Sau khi thành lập, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo củng cố chính quyền cách mạng các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, vận động nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến, phát triển lực lượng chính trị và vũ trang, đánh địch cả về quân sự, chính trị, kinh tế, làm thất bại âm mưu của địch. Đến năm 1952, toàn Đảng bộ có 2.493 đảng viên, sinh hoạt trong 53 chi bộ.

Cùng với cả nước, từ năm 1954 đến 1975, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Gia Lai tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh làm thất bại các âm mưu chiến lược của Mỹ, tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi, giải phóng tỉnh Gia Lai vào ngày 17-3-1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975, cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ tỉnh Gia Lai tập trung lãnh đạo khôi phục và đẩy mạnh  sản xuất, từng bước tạo sự phát triển ổn định kinh tế-xã hội. Từ năm 1986 đến nay, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng và thế mạnh, đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Tiêu biểu là giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 13,6%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2010 gấp gần 3,24 lần so với năm 2005, GDP bình quân đầu người gấp 2,82 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng. Hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Chất lượng giáo dục, y tế, thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành tựu mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng được cải thiện đáng kể.

 

Ảnh: Thanh Nhật

Qua nửa nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Kinh tế tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô GDP của tỉnh tăng 43,7% so với năm 2010 (bình quân mỗi năm tăng trưởng 12,86%)-trong đó nông-lâm nghiệp tăng 7,2%, công nghiệp-xây dựng tăng 16,5%, dịch vụ tăng 15,19%.

Quy mô GDP đạt 42.009 tỷ đồng-tăng 105% so với năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt 30,7 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, phát triển bền vững phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Các khu-cụm công nghiệp tập trung, các vùng kinh tế động lực. Công nghiệp chế biến nông-lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gỗ tinh chế được quan tâm đầu tư và phát triển. Giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng bình quân 17,02%/năm, đã khai thác được tiềm năng và lợi thế, góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh. Một số ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu tăng trưởng cả về chất lượng, số lượng và ngày càng mở rộng theo hướng hiện đại.

Năm 2013, trong bối cảnh chung của nền kinh tế trong và ngoài nước khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, nhân dân và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và quốc phòng-an ninh của tỉnh đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,3%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, GDP bình quân đầu người đạt 30,23 triệu đồng/năm, tăng 15,56% so với năm 2012. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội từng bước phát huy hiệu quả.

Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 7.530 tỷ đồng-tăng 10,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 11.390 tỷ đồng, bằng 100,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.550 tỷ đồng, bằng 98,6% Nghị quyết, tăng 1,95% so với dự toán... Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho các xã điểm. Lĩnh vực văn hóa xã hội có chuyển biến khá. Việc chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo, người lao động, chính sách an sinh xã hội được quan tâm. Đời sống nhân dân tiếp tục ổn định, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 17,23%, trong năm giải quyết việc làm mới cho 24.100 lao động-đạt 100,4% kế hoạch. An ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong nửa nhiệm kỳ 2010-2015, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 5.778 đảng viên mới. Riêng năm 2013, toàn tỉnh đã kết nạp được 2.234 đảng viên, nâng tổng số toàn Đảng bộ tỉnh có 42.573 đảng viên, đã thành lập và phát triển mới 90 tổ chức đảng ở các thôn, làng, tổ dân phố. Hiện nay, tất cả các thôn, làng, tổ dân phố đều có tổ chức đảng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.  

Trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Gia Lai không ngừng được củng cố, kiện toàn cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; là nhân tố lãnh đạo thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đưa Gia Lai phát triển cùng với cả nước.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm