Chính trị

Tin tức

Lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chặng đường 67 năm xây dựng và trưởng thành là những mốc son đánh dấu sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Gia Lai đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945, trước yêu cầu nhiệm vụ của cuộc cách mạng, ngày 1-10-1945, chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập tại Pleiku với 9 đảng viên, đồng thời đây cũng là Ban Vận động thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai. Được sự nhất trí và chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ, ngày 10-12-1945, Đảng bộ tỉnh Gia Lai chính thức được thành lập với tên gọi là “Đảng bộ Tây Sơn”. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời gồm 5 người do đồng chí Phan Thêm-Phái viên Xứ ủy Trung kỳ làm Bí thư. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh đánh dấu mốc son quan trọng cho bước phát triển mới và nhân tố quyết định cho thắng lợi của cách mạng tại Gia Lai.

 

Ảnh: Thanh Nhật

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến, phát triển lực lượng chính trị và vũ trang, đánh địch cả về quân sự, chính trị, kinh tế, làm thất bại âm mưu của địch. Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên mới, thành lập các chi bộ xã với đa số đảng viên người dân tộc thiểu số.

Đến năm 1952, toàn tỉnh có 2.493 đảng viên, sinh hoạt trong 53 chi bộ-trong đó có hơn 50% đảng viên là người dân tộc thiểu số và đến năm 1954 đã có 1.100 đảng viên dân tộc thiểu số. Cùng với cả nước, từ năm 1954 đến 1975, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Gia Lai tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh làm thất bại các âm mưu chiến lược của Mỹ, tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi, giải phóng tỉnh Gia Lai vào ngày 17-3-1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975, cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ tỉnh Gia Lai tập trung lãnh đạo thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lãnh đạo khôi phục và đẩy mạnh  sản xuất, từng bước tạo sự phát triển ổn định kinh tế-xã hội. Từ năm 1986 đến nay, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng và thế mạnh, đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.

Tiêu biểu là giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 13,6%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2010 gấp gần 3,24 lần so với năm 2005, GDP bình quân đầu người gấp 2,82 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng. Hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Chất lượng giáo dục, y tế, thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt  nhiều thành tựu mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng được cải thiện đáng kể.

Trong tình hình khó khăn chung của cả nước, nhưng năm 2012 kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 12,9%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 10.350 tỷ đồng (bằng 98,5% so với chỉ tiêu nghị quyết, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2011). Tổng thu ngân sách đạt 3.400 tỷ đồng (tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2011). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 380 triệu USD (tăng 26,7 lần so với nghị quyết đề ra). Công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội đạt những kết quả quan trọng. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có chuyển biến khá, đời sống nhân dân tiếp tục ổn định, quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Qua 67 năm xây dựng và phát triển với 14 lần đại hội, Đảng bộ Gia Lai luôn chú trọng lãnh đạo công tác xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, công tác phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở đảng đã đạt những thành quả lớn. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm đảm bảo quy định. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 11.272 đảng viên, tỷ lệ kết nạp đảng viên hàng năm bình quân hơn 8%. Số cơ sở đảng trong sạch vững mạnh hàng năm bình quân đạt 63,5%. Hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn và củng cố theo hướng vững mạnh.

Năm 2012, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp gần 2.200 đảng viên. Nếu như khi mới thành lập, từ chi bộ đầu tiên với 9 đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ tỉnh có 22 đảng bộ trực thuộc, với hơn 940 tổ chức cơ sở đảng (gồm đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở), với hơn 3.460 chi bộ trực thuộc và gần 40.000 đảng viên, trong đó đảng viên dân tộc thiểu số chiếm 24%, hơn 90% thôn, làng, tổ dân phố có tổ chức đảng.

Đến nay 100% thôn, làng, tổ dân phố trong toàn tỉnh đều có đảng viên, thu hẹp 136 thôn, làng, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng (đạt 110,6% so với Nghị quyết), hiện còn 75 thôn, làng, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng. Tỉnh đã triển khai kịp thời kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Công tác chỉnh đốn Đảng được tăng cường gắn với giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của đảng trên mọi lĩnh vực.  

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết XIV Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ tỉnh Gia Lai sẽ quyết tâm lãnh đạo nhân dân các dân tộc tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Tăng cường xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng thời thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với công tác tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước và địa phương trong giai đoạn mới. Xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước…

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm