Chính trị

Tin tức

Lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bà Trần Thị Thủy.
Trong 5 năm (2005-2010), thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ia Grai (Gia Lai) lần thứ XV, các cấp ủy đảng đã có nhiều nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở.
Trên lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 19,98%/năm. Trong đó, nông- lâm nghiệp tăng 13,2%, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- xây dựng tăng 52,95%, thương mại- dịch vụ tăng 15,05%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 13,24 triệu đồng.
Trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện, thu hút nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực sản xuất điện năng, sản phẩm nông sản, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông- lâm nghiệp từ 72,6% năm 2005 giảm còn 44,1%, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- xây dựng từ 12,6% tăng lên 38,1%, thương mại- dịch vụ từ 14,8% tăng lên 17,8%. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung chuyên canh. Tổng sản lượng lương thực 22.500 tấn, tăng 2.700 tấn so với năm 2005; sản lượng cà phê nhân bình quân 35.000 tấn/năm, mủ cao su 13.000 tấn/năm... Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp tăng khá, tổng đàn gia súc đều tăng so với năm 2005; một số loại hình chăn nuôi khác như nuôi ong và nuôi cá nước ngọt đã hình thành và phát triển.
Tổng vốn đầu tư phát triển trong cả giai đoạn đạt trên 7.330 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần so với giai đoạn 2001-2005. Tỷ trọng vốn tín dụng và vốn của nhân dân trong cơ cấu vốn đầu tư tăng nhanh, hiệu quả đầu tư được nâng lên. Hoàn thành và đưa vào hoạt động 3 nhà máy thủy điện với công suất 440 MW, 5 công trình khác đang thi công, 3 nhà máy chế biến mủ cao su công suất 27.000 tấn/năm. Các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, 100% số xã có đường giao thông ô tô đi được đến tận thôn, làng, 100% số thôn, làng có điện lưới quốc gia, hơn 96% số hộ sử dụng điện, trên 90% số hộ sử dụng nước sạch, 100% số xã có trạm y tế hoặc cơ sở khám và điều trị, 100% trường lớp học và nhà ở giáo viên được xây dựng kiên cố, xóa 2.500 nhà tạm cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Mạng lưới viễn thông được đầu tư mở rộng với 90 trạm thu phát sóng BTS phủ sóng trên khắp địa bàn đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân.
Cùng với phát triển kinh tế, sự nghiệp y tế được quan tâm đầu tư.
Đến nay, toàn huyện có 84 doanh nghiệp và 85 trang trại cùng với hàng trăm hộ kinh doanh cá thể hoạt động hiệu quả, khai thác, sử dụng tốt tài nguyên đất đai, khoáng sản trên địa bàn, hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, trong đó tuyển dụng mới 4.000 lao động, tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội.
Lĩnh vực văn hóa- xã hội cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoàn thành phổ cập giáo dục THCS cho 12/13 xã-thị trấn, 1 trường mầm non và 4 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Quan tâm chăm sóc, khám-chữa bệnh cho nhân dân. Các Chương trình 132, 134, 135 của Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả thiết thực. Kết cấu hạ tầng ở các xã vùng đặc biệt khó khăn từng bước được nâng lên; cơ bản hoàn thành việc giải quyết đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, và nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 30,76% năm 2005 đến nay còn 8,65%; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với nước được đẩy mạnh, đến nay các gia đình chính sách đều có mức sống tương đối ổn định và cao hơn mức sống trung bình trong vùng; công tác quốc phòng- an ninh có những chuyển biến quan trọng theo hướng tích cực, cơ bản được giữ vững ổn định; quan hệ đối ngoại biên giới với huyện Đôn Mia- Campuchia được tăng cường. Huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng người dân tộc thiểu số vượt biên sang Campuchia.
Cùng với việc quan tâm lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thường xuyên chú trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở, coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 651 đảng viên mới, bình quân hàng năm phát triển đảng viên mới đạt 7,3%; xóa 6 làng “trắng” đảng viên. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra, giám sát của Đảng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong nhiệm kỳ qua, đã thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng (giảm 4 tổ chức so với nhiệm kỳ trước), kỷ luật 90 đảng viên, góp phần làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.
Sản xuất, kinh doanh cà phê- một trong những thế mạnh của huyện Ia Grai.
Chính quyền các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Hiệu lực, hiệu quả quản lý và điều hành của Ủy ban Nhân dân các cấp có nhiều tiến bộ. Tổ chức bộ máy được kiện toàn, củng cố, sắp xếp ngày càng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả hơn; công tác cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” từ huyện đến cơ sở thực hiện nghiêm túc, góp phần giải quyết kịp thời các yêu cầu của công dân trong giao dịch hành chính.
Huyện Ia Grai nằm ở phía Tây của tỉnh Gia Lai, có chung đường biên giới với nước bạn Campuchia (12 km). Huyện có 13 xã, thị trấn. Dân số hơn 86.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số- chủ yếu là Jrai, chiếm hơn 50%. Đảng bộ huyện có 40 tổ chức cơ sở đảng (22 đảng bộ, 18 chi bộ cơ sở) với gần 2.300 đảng viên.
Hoạt động của các cơ quan tư pháp và của mặt trận, đoàn thể các cấp có sự đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, từng bước đáp ứng  yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát huy những kết quả đạt được, phương hướng, mục tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2010-2015 được Đảng bộ huyện xác định là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh toàn diện. Khai thác tiềm năng lợi thế, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đưa nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững. Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục- đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện rõ nét đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ huyện và Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh.
Trần Thị Thủy (TUV, Bí thư Huyện ủy)

Có thể bạn quan tâm