Tin tức

Lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu hải quân sẵn sàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyến thăm quân đội và ngư dân ở Hải Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là một thông điệp cảnh báo đối với láng giềng.

Theo Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình vừa thị sát lực lượng của Hạm đội Nam Hải đóng ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Chuyến thăm diễn ra vào ngày 9-4 sau khi ông Tập dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Bác Ngao tại Hải Nam nhưng đến nay truyền thông Trung Quốc mới đưa tin. Trong đó, Chủ tịch Trung Quốc ra lệnh hải quân luôn ghi nhớ mục tiêu xây dựng một quân đội hùng mạnh và tập trung “nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu”. Theo tờ South China Morning Post ngày 12-4, ông Tập còn yêu cầu binh sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng, chuẩn bị cho mọi tình huống xung đột. Ông Tập Cận Bình cũng đi thăm hơn 10 tàu chiến, trong đó có một tàu ngầm mới và tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn-tàu vừa tuần tra phi pháp hàng loạt bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng rồi.
 

 Ông Tập Cận Bình thị sát Hạm đội Nam Hải ngày 9-4.
Ông Tập Cận Bình thị sát Hạm đội Nam Hải ngày 9-4.

Cũng tại Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc thăm các ngư dân ở trấn Đàm Môn. Khi đó, ông lên một tàu cá vừa trở về sau khi đánh bắt ở biển Đông và tuyên bố chính quyền sẽ hỗ trợ ngư dân. Theo South China Morning Post, ngư dân Đàm Môn thường đánh bắt tại vùng tranh chấp trên biển Đông và chuyến thăm “chưa có tiền lệ” của ông Tập được xem là thông điệp cảnh báo đối với các nước láng giềng mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền.

Trong một động thái khác, Trung Quốc vừa ngang nhiên đưa tàu Ngư chính 45001 xuống tuần tra phi pháp vùng biển thuộc Trường Sa của Việt Nam trong 50 ngày. Theo trang mạng của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, tàu 45001 cùng 24 nhân viên chấp pháp sẽ xua đuổi “tàu nước ngoài xâm nhập trái phép và bảo vệ quyền lợi ngư nghiệp” của nước này. Thực tế, hành động của Trung Quốc rõ ràng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Khi phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị Bác Ngao ngày 7-4, ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ duy trì quan hệ tốt với các láng giềng, góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực đồng thời cảnh báo “không ai được phép gây bất ổn vì lợi ích ích kỷ”, theo Tân Hoa xã. Thế nhưng, với những diễn biến nói trên cùng các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam như sắp đưa du khách đến quần đảo Hoàng Sa… cho thấy thực tế trái ngược những tuyên bố từ lãnh đạo nước này và không thể không gây lo ngại.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm