TN - Đất & Người

Lao động hồi hương ở Đắk Lắk: Tìm được việc làm mới, mức lương ổn định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đa số công nhân lao động từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam hồi hương về Đắk Lắk trong năm 2021 đã tìm kiếm được việc làm mới. Trong số đó, nhiều người được hưởng mức lương khá tốt, đảm bảo chi tiêu, sinh hoạt.

Nhiều công nhân lao động ở Đắk Lắk đã tìm được việc làm mới, mức lương tốt sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Bảo Trung
Có việc làm theo nguyện vọng
Lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tỉnh Đắk Lắk thông tin: Thời gian qua, Sở đã cử đoàn công tác đi thu thập số liệu từ các huyện, thị xã, thành phố để nắm tình hình việc làm của công nhân lao động hồi hương. Đến nay, có hơn 70% người dân quay trở lại các tỉnh, thành khu vực phía Nam làm việc (tổng cộng có hơn 110.000 hồi hương - PV).
Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy chủ trương, chính sách của UBND tỉnh và các sở ngành liên quan là kịp thời và hợp lý nhằm hỗ trợ việc làm cho người dân và  đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã chủ động lên Đắk Lắk chọn người thay vì đợi chờ, đăng tin tuyển dụng. Mức lương của công nhân duy trì ổn định, đảm bảo đủ để chi tiêu cơ bản.
Ông Trần Chí Thông - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Ea Kar cho hay, năm 2021 có khoảng 16.000 người từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam hồi hương về huyện. Trong đó, phần lớn đang trong độ tuổi lao động.
Đơn vị đã chủ động nắm thông tin, số điện thoại, địa chỉ từng người lao động để chủ động trao đổi, giới thiệu với các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam khi họ có nhu cầu. Điều này giúp ích rất nhiều cho huyện khi tổ chức các phiên giao dịch việc làm (quý I/2022), người lao động ở huyện đã tìm được công việc phù hợp với sở nguyện. Đến thời điểm giữa tháng 4.2022, đã có 90% số người trong độ tuổi lao động hồi hương về huyện đã trở lại các tỉnh, thành khu vực phía Nam làm việc.
Còn rất nhiều cơ hội
Từ đầu năm 2022 đến nay, có 380 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động ngoài tỉnh khá cao, tập trung ở các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM, với tổng nhu cầu hơn 22.000 lao động... Doanh nghiệp chủ yếu tuyển lao động phổ thông cho các ngành nghề về sản xuất gỗ, nội thất, giày da, may mặc, điện tử…
“Hơn 7 năm qua, Công ty TNHH Hwaseung Vina đã tuyển dụng hơn 5.000 lao động tại tỉnh. Hiện có hơn 500 lao động của Đắk Lắk đang làm việc tại công ty. Với nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất, công ty tiếp tục lựa chọn thị trường lao động tại Đắk Lắk để tham gia các phiên giao dịch việc làm, thu hút nhân công… Đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng từ 1.000 - 2.000 lao động phổ thông với mức lương từ 6,7 - 14 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, để thu hút nguồn nhân lực, đơn vị còn thưởng 3 triệu đồng, hỗ trợ nhà trọ trong vòng 2 tháng cho NLĐ mới lần đầu đến làm việc, có xe đưa đón”, đại diện Phòng nhân sự của Công ty TNHH Hwaseung Vina nói.
Lãnh đạo  Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Đắk Lắk - nhận định: “Thị trường lao động việc làm ở Đắk Lắk trong quý II/2022 sẽ vẫn rất khả quan bởi dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, các doanh nghiệp lớn ở địa phương đã hoạt động trở lại, nhu cầu tuyển dụng lớn. Ngoài ra, công tác xuất khẩu lao động đi làm việc ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng dự kiến tăng so với thời điểm năm 2021.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thời gian tới tương đối lớn (trên 10.000 người), với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau và có các chính sách ưu đãi đối với NLĐ.
Để giới thiệu việc làm đạt kết quả tốt, trung tâm sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc tư vấn, tuyển dụng lao động. Cụ thể, tại các xã, phường, thị trấn nếu số lượng lao động có nhu cầu tìm việc làm ngoài tỉnh, đi xuất khẩu lao động từ 5 lao động trở lên, đề nghị các địa phương tổng hợp danh sách và thông báo cho trung tâm biết để cử cán bộ xuống tư vấn trực tiếp cho người lao động. Đơn vị sẽ bố trí phương tiện hoặc hỗ trợ kinh phí đưa người lao động đến nơi làm việc.
Đối với công tác xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, nếu số lượng lao động đăng ký từ 10 người trở lên, doanh nghiệp tuyển dụng sẽ tổ chức dạy tiếng Nhật cho người lao động tại tỉnh Đắk Lắk (người lao động không phải xuống TPHCM để học).
Đồng thời, Trung tâm sẽ tư vấn các chính sách và hỗ trợ người lao động trong việc thiết lập hồ sơ thủ tục vay vốn để đi xuất khẩu lao động. 
Theo Bảo Trung (LĐO)
https://laodong.vn/xa-hoi/lao-dong-hoi-huong-o-dak-lak-tim-duoc-viec-lam-moi-muc-luong-on-dinh-1037535.ldo

Có thể bạn quan tâm