(GLO)- Người ta nói làm tài chính thì liên quan đến tiền bạc, sổ sách, mẫu biểu chứ có liên quan gì đến liệt sỹ… Vậy mà Thiếu tá CN Lê Công Tĩnh, nhân viên tài chính của Tiểu đoàn 15 - Đoàn Đak Tô - Binh đoàn Tây Nguyên lại cứ đau đáu nỗi niềm đi tìm những ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên.
Thoạt đầu có người nghĩ anh rảnh việc lắm thì mới có thời gian làm cái việc mà lẽ ra phải của cán bộ chính sách. Lại có người cho anh là… không bình thường. Việc đơn vị ngập đầu là thế, những ngày thứ bảy, chủ nhật đáng ra phải dành cho gia đình thì anh chỉ chuyên tâm cho công việc này. Đã có lúc Tĩnh nản lòng nhưng mỗi khi như thế thì hình ảnh người cậu ruột Nguyễn Chí Thìn hy sinh ngoài mặt trận vẫn chưa tìm được hài cốt khiến anh không yên lòng. Mặc cho những lời dèm pha, quyết tâm đi tìm tên cho liệt sỹ trong anh ngày một lớn dần.
Thiếu tá Lê Công Tĩnh đang tìm mộ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Kon Tum. Ảnh: Trịnh Viết Tuệ |
Cứ vào thứ 7, chủ nhật, anh cùng chiếc xe máy cà tàng, hành lý mang theo chỉ là một chiếc áo mưa, cuốn sổ tay nhỏ, rong ruổi đi đến tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Kon Tum - Gia Lai để ghi lại những ngôi mộ chưa biết tên. Có khi chỉ là mấy thông tin ngắn ngủi theo thời gian bị rêu phong bào mòn mà anh đã kịp dịch ra và chép lại. Có ngôi mộ biết được tên đầy đủ, có ngôi thì quá ít thông tin hoặc cũng có ngôi mộ chưa đề tên.
Đất nước đã đi qua chiến tranh, trên dặm dài Tổ quốc mấy chục năm có lẻ với những dòng thông tin mờ nhạt này liệu rồi có cung cấp được gì cho người thân của liệt sỹ hay không? Câu hỏi ấy cứ hiện về trong từng giấc ngủ của Lê Công Tĩnh. Thế là anh cứ ghi, rồi đêm khuya nghe lại mục nhắn tìm đồng đội của Đài Tiếng nói Việt Nam để mà đối chiếu rồi từ đó làm cầu nối thông tin với người thân của liệt sỹ. Cũng có khi thông tin mà anh có được lại bắt đầu từ những người thân của liệt sỹ mà anh đã tìm hộ, người nọ bảo người kia cứ lan xa... Chỉ tính riêng từ năm 2002 đến nay anh đã làm cầu nối để cho 128 thân nhân liệt sĩ tìm được mộ ở các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.
Một buổi chiều, trong tiết trời Kon Tum se lạnh, tôi ngồi với Lê Công Tĩnh (sinh năm 1969, quê hương xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Trầm ngâm một lúc lâu, Tĩnh tâm sự: Tôi luôn đau đáu nỗi niềm khi mà chưa tìm được thân nhân cho một ngôi mộ, vậy là ăn không ngon ngủ không yên. Nói thật nhé mỗi đêm tôi ngủ hình như những ngôi mộ kia cứ hiện về. Tôi bắt đầu việc này từ tháng 8-2002. Cũng khổ thật, lúc đó chưa có điện thoại di động như bây giờ.
Mỗi khi tìm được thông tin là tôi gửi thư thông báo cho gia đình và chính quyền địa phương, có lần tôi gửi cả mấy chục lá thư. Khoảng gần hai tháng sau thì tôi nhận được thư của anh Nguyễn Văn Mằm là thân nhân của Liệt sỹ Nguyễn Văn Như - xã Hoàng Văn Thụ - Chương Mỹ - Hà Tây (nay là Hà Nội) và anh Đặng Văn Tác xã Lam Điền - Chương Mỹ- Hà Nội là anh trai của Liệt sỹ Đặng Văn Thích và cháu Đặng Văn Hương - là con ruột của Liệt sỹ Đặng Văn Thích đã viết thư cảm ơn tôi. Sau đó các anh đã bắt xe từ ngoài Bắc vào nhà tôi, rồi tôi lại đưa từng thân nhân đến nghĩa các nghĩa trang liệt sỹ để nhận phần mộ làm thủ tục đưa con em mình về quê.
Cẩn thận hơn hai ông này còn mang theo thông tin của một số gia đình thân nhân liệt sĩ khác nữa. Lúc đó tôi dặn lại là cứ bảo mấy gia đình ấy vào trong này, gia đình tôi mong được đón tiếp, lo nơi ăn ở, sinh hoạt trong những ngày họ cùng tôi đi tìm thân nhân liệt sĩ...
Bao nhiêu lần đi tìm mộ liệt sỹ rồi Tĩnh không thể nhớ chính xác, duy chỉ có một lần đi tìm mộ liệt sỹ đã để lại cho anh dấu ấn khó quên. Đó là trường hợp của liệt sỹ Phùng Văn Hưng, sinh năm 1949, hy sinh ngày 30-3-1973, quê ở xã Đồng Thái - Ba Vì - Hà Nội. Mẹ liệt sỹ Hưng đã gần 100 tuổi luôn đau đáu một nỗi niềm ao ước được đón anh về thì mẹ mới yên lòng nhắm mắt.
Tháng 6-2007, bà nhận được tin từ Lê Công Tĩnh. Bà gọi anh con trai lại và đưa số tiền bà chắt chiu dưỡng già là hai triệu đồng cộng thêm tiền bán một con trâu đang cày ruộng để làm lộ phí đi đường vào Kon Tum. Lê Công Tĩnh đã giúp đỡ nơi ăn, ở và liên hệ các cơ quan chức năng để đưa được Liệt sỹ Phùng Văn Hưng về quê theo nguyện vọng tha thiết của mẹ già.
Mười năm trôi qua, như một chiến sỹ làm nhiệm vụ thầm lặng, Tĩnh đã viết thư, điện thoại làm cầu nối cho hơn một trăm thân nhân liệt sỹ tìm được hài cốt. Nhìn cuốn sổ ghi chép cẩn thận của anh hiển hiện lên những con số như biết nói: Liệt sỹ Đặng Văn Ngữ - Đội Bình - ứng Hòa - Hà Nội, tại nghĩa trang Tân Cảnh- Đak Tô; Liệt sỹ Nguyễn Trung Lạc, xã Thụy An- Chương Mỹ- Hà Nội, tại nghĩa trang Chư Prông- Gia Lai; Liệt sỹ Nguyễn Văn Thích, xã Thống Nhất - Chương Mỹ - Hà Nội, tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Gia Lai… Anh dự định thời gian tới sẽ mở rộng công việc tìm kiếm ở các nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh các tỉnh Tây Nguyên. Cảm động trước việc làm của anh rất nhiều thân nhân liệt sỹ khi đã vượt hàng ngàn cây số vào để nhận lại con em mình sau bao năm tìm kiếm, tưởng chừng như vô vọng. Có thân nhân mang theo quà và tiền có giá trị như: Thân nhân Liệt sỹ Lê Khắc Thân - Hồng Thái - Đan Phượng - Hà Nội, đã tặng anh cặp sừng nai, hoặc thân nhân của Liệt sỹ Nguyễn Trường Lưu - là anh Nguyễn Văn Thành, xã Cao Thành - Ứng Hòa- Hà Nội; thân nhân Liệt sỹ Phùng Văn Lưu, xã Quất Lại - Ba Vì - Hà Nội… nhưng anh đều từ chối.
Nắng đã tắt hẳn trên con đường trước nhà Tĩnh. Chị Nguyễn Thị Tâm, vợ Tĩnh đã quen với công việc của chồng tâm sự: “Biết anh ấy làm việc nghĩa nên thứ bảy, chủ nhật em và con trai lớn đi cùng đến thắp nhang, nhặt cỏ ở những ngôi mộ chưa đề tên. Em biết công việc này rất vất vả, nguy hiểm nhưng hình như có sức mạnh vô hình nào đó cứ thôi thúc anh ấy bất chấp nguy hiểm, gian khổ, rong ruổi trên chiếc xe máy trèo đèo lội suối, vượt rừng...”. Chiến tranh lùi xa đã mấy chục năm có lẻ, vết thương đang lành, cuộc sống mới hiển hiện trên gương mặt mỗi người.
Để có cuộc sống ngày hôm nay đã có biết bao người con ưu tú đã hy sinh vì nghĩa lớn, các anh, các chị đã nằm lại nơi những cánh rừng, vạt núi và trên những nẻo đường đất nước xin hãy yên lòng bởi vẫn có những người như Lê Công Tĩnh luôn đau đáu một nỗi niềm đi tìm các anh, các chị, thầm chúc anh có được sức khỏe để làm công việc thầm lặng đầy tình nghĩa đó.
Trịnh Viết Tuệ