TN - Đất & Người

Lê Long Định khát vọng làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi được hỏi còn có dự định gì cho tương lai của mình, Lê Long Định (SN 1981, ở thị trấn Kbang, huyện Kbang) không mất thời gian suy nghĩ, trả lời: “Tôi đang mở rộng mô hình nuôi vịt trời, chim le le và sẵn lòng tư vấn bà con nông dân kinh nghiệm chăn nuôi loài thủy cầm này. Khi đã “trường vốn”, tôi sẽ mở cơ sở nuôi cấy đông trùng hạ thảo ngay trên đất Kbang”.

Khi chúng tôi “mục sở thị” mô hình chăn nuôi của anh Định ở thị trấn Kbang, câu chuyện dân gian “Chàng ngốc” bán/buôn loài chim trời mặc định điều không tưởng ngay lập tức bị phá bỏ bởi sự ngoan hiền của đàn le le, vịt trời. Thì ra chúng được nuôi dưỡng, chăm sóc chẳng khác vịt nhà nuôi nhốt là mấy, chỉ cần có thêm lưới chắn xung quanh, bọc sát mái che để không thể bay đi. Vẫn có một số con tha thẩn dạo chơi ngoài mành lưới nhưng trông lành lắm, chừng như đã nhạt hẳn thiên nhiên hoang dã. Anh Định cho biết, cơ sở hiện đang có 4.000 con vịt trời gồm cả con giống bố mẹ và vịt nuôi thương phẩm.

 

Trang trại chăn nuôi vịt trời, chim le le của anh Lê Long Định. Ảnh: Đ.P

Với giá vịt thương phẩm 170 ngàn đồng/con ổn định trong 2 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình anh lãi ròng hơn 500 triệu đồng. Riêng le le độ 4 tháng tuổi đang dao động với giá 600-700 ngàn đồng/con mà vẫn cháy hàng quanh năm. Cái giá cao ngất ngưởng ấy được anh giải thích là do người ta ăn thịt le le để chữa bệnh phù thũng, tăng cường sinh lực (nhất là huyết và chân) chứ cân hơi chỉ 5-6 lạng/con bõ bèn gì! Chim le le sống từng cặp trống mái, mỗi năm chỉ đẻ 1 lứa, độ 13 quả. Việc ấp trứng tại nhà của anh vẫn chỉ cho hiệu suất nở con không quá 80% nên mới khan hiếm. Thêm vào đấy, phong trào nuôi le le đang rộ khắp cả nước… chính là lý do đội giá thành le le cao đến vậy.

Và ngưỡng giá “đỉnh” như hiện nay chỉ “nóng” vào thời điểm nhiều người khởi nghiệp rồi sẽ giảm dần, bình ổn ở mức thấp khi được nuôi phổ biến. Hiện tổng đàn le le ở cơ sở chăn nuôi của anh Định chỉ có 600 con nhưng thu nhập từ việc bán con giống, con thịt đã đem lãi ròng hơn 100 triệu đồng/năm. Vợ chồng anh đang nâng số lượng con lên gấp nhiều lần bằng cách chuyển đàn về xã Sơ Pai (huyện Kbang)-địa điểm thuận lợi hơn cả về diện tích lẫn khí hậu.

Trong gian phòng khách hẹp, cùng ngồi xếp bằng trên tấm chiếu trải lên nền nhà, anh Định tiếp chúng tôi bằng li trà đông trùng hạ thảo nóng rẫy, màu vàng nhạt, hương vị rất lạ. Xong tuần trà, lại mời nhau chén rượu đông trùng hạ thảo ngâm rượu quê. Anh “giới thiệu sản phẩm” mà giọng nhẹ đều như tâm tình: “Vợ chồng chúng tôi có cổ phần vốn làm ra sản phẩm này ở Đà Lạt. Về con giống, kỹ thuật nuôi cấy, công nghệ sấy khô… đã nắm bắt rõ ràng, chi tiết rồi. Tôi đang tích cóp, khi vốn được chừng 3 tỷ đồng sẽ mở cơ sở sản xuất riêng, dự kiến ở xã Đak Rong (huyện Kbang) vì xem ra khí hậu nơi này rất thích hợp, nhất là chưa bị ô nhiễm. Khi đó, sản phẩm bán ra sẽ theo giá “phục vụ” chứ không còn là 25 triệu đồng/lạng như hiện nay”.

Chủ khách đang say sưa câu chuyện làm ăn thì anh Nguyễn Thái Sơn (xã Sơn Lang, huyện Kbang) phóng xe máy đến, vồn vã góp chuyện: “Tôi có trang trại chăn nuôi heo với diện tích 1.000 m2, lại có con suối tự nhiên chảy qua nên đang nhờ anh Định hỗ trợ một phần vốn con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt trời, chim le le. Theo nhận định ban đầu của “chuyên gia” (chỉ tay về phía anh Định), đất này rất đẹp, tương lai không xa gia đình tôi sẽ đổi đời nhờ nuôi loài thủy cầm này”.


“Kbang là vùng đất giàu tiềm năng lâm-nông nghiệp. Lãnh đạo huyện có chủ trương tạo mọi điều kiện để nông dân sống được, sống tốt ở ngay địa phương. Người trẻ như vợ chồng anh Định là một điển hình biết vươn lên làm giàu và hỗ trợ người khác cùng phát triển kinh tế”-ông Đoàn Thanh Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, người dẫn đoàn chúng tôi hào hứng nhận xét.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm