Điểm đến Gia Lai

Lên rừng hái mây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Rừng Tây Nguyên có hệ động thực vật rất đa dạng, phong phú. Từ nhiều đời nay, đồng bào dân tộc thiểu số bản địa đã sống dựa vào rừng với rất nhiều lâm-thổ sản tự nhiên, trong đó không thể không kể đến loại cây vừa cho dây buộc làm nhà, đan lát, vừa cho đọt, quả để ăn. Đó là cây mây.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, trong một chuyến khảo sát tìm nguồn nước để làm công trình thủy lợi ở khu vực núi Kông Chro, tổ công tác chúng tôi đã tình cờ gặp một nhóm người dân tộc Bahnar đang trên đường tìm mây rừng. Tò mò, chúng tôi lần theo bắt chuyện. Anh Glim vui vẻ kể: Cứ ăn Tết xong, đóng cửa kho lúa là dân làng lên rừng đi lấy dây mây về để dành đan lát vào những tháng chờ mưa để trồng trỉa. Dây mây có nhiều loại: mây rắc, mây nước và mây song. Các loại mây này thân lớn nhỏ khác nhau nhưng đều cho quả, đọt non ăn được, vừa cho dây để buộc, đan lát. Thấy hành trình có vẻ hấp dẫn, chúng tôi bèn xin đi cùng và được các anh vui vẻ đồng ý.
 Món đọt mây nướng. Ảnh internet
Món đọt mây nướng. Ảnh internet
Lần theo khe núi, cây cối xòe tán mát rượi, trước mắt chúng tôi là khóm mây nước, mọc kéo dài theo dọc hai bên bờ khe ẩm ướt. Toàn thân cây gai đóng dày, chĩa ra lởm chởm, nhọn hoắt. Những cây mây đứng chen chúc nhau thành một cụm rừng, thân to bằng cổ tay người lớn, uốn mình ngoằn ngoèo, dựa vào nhau leo vút lên cao đến vài chục mét. Trên thân mây, những chùm quả xanh lẫn với quả chín đỏ trông rất bắt mắt. Anh Glim cẩn thận dọn sạch gốc, róc bớt vỏ gai trên thân cây và tiến hành chặt. Sau đó, cả nhóm tập trung kéo dây mây xuống, kéo theo cả những chùm quả mây hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay út, bề ngoài xù xì như có vảy. Tôi háo hức muốn bóc ra một quả nhưng loay hoay không biết phải bóc và ăn như thế nào. Anh Glim liền ngắt một quả, dùng móng tay bấm mạnh cho tróc phần vỏ cứng bên ngoài để lộ ra phần ruột. Phủ quanh lớp ruột này là một lớp màng mỏng, tiếp tục lột bỏ lớp màng sẽ thấy lộ bên trong lớp cơm vàng láng bóng trông rất hấp dẫn. Tôi cắn mạnh, vị chua thanh, hăng hăng, ngọt dịu rất lạ miệng. Nhai thêm vài miếng nữa thì vị chua từ từ dịu lại, thay vào đó là hương thơm nhẹ xen lẫn vị ngọt, đúng chất của một loại quả rừng.
Cả nhóm nhặt hết những quả mây bỏ vào túi để ăn dần, ước chừng cũng phải được 5 ký. Trời đã đứng bóng. Chúng tôi xuống suối mò cua đá còn nhóm anh Glim đi chặt những đọt non cây mây vừa lấy, gom lại và chất lửa thui. Tôi đi dọc theo khe suối, hăng say lật các tảng đá bắt cua. Vừa nhón chân bước qua một khe nhỏ đầy lá ủ để tìm cua tiếp thì bỗng nhiên chân tôi đạp phải một vật mềm mại, trơn tuột. Chưa kịp định hình thì thấy một con trăn to như bắp tay quẫy mình dưới lớp lá, quấn lấy một chân tôi siết chặt. Tôi hốt hoảng la to “cứu, cứu” nhưng đã bị ngã khuỵu xuống. Nghe tiếng la, anh Glim từ xa lao tới, tay này chộp cổ con trăn, tay kia lần nắm đuôi và kéo mạnh. Con vật nới lỏng thân mình và tôi có cơ hội thoát được. Sau đó, anh Glim vứt nó ra xa. Anh dặn dò: “Khi đi rừng, đừng đi dưới lòng khe, lòng hố có nhiều lá ủ, vì trăn hay phục ở những đoạn ấy để săn mồi. May mà em gặp con trăn nhỏ, nếu trăn lớn thì sợ em không kịp la đâu”. Tôi được một phen hoảng hồn nhưng cũng có thêm kinh nghiệm đi rừng.
Trở lại đống lửa, những đọt mây non đã chín, được bóc vỏ lộ ra phần nõn trắng hấp dẫn đặt trên đám lá rừng vừa được kê lót sạch sẽ. Sau đó, anh Glim chế biến chúng thành 2 món: đọt mây nướng chấm muối ớt và đọt mây nấu canh cua đá với rau rừng. Tôi nhón một đũa đọt mây nướng, cắn vào nghe giòn sần sật, ngấm hương vị đầu tiên là đắng, sau đó là vị ngọt lạ thanh thanh cứ len lỏi trong khoang miệng rất dễ chịu, cộng với vị mặn của muối, vị cay của ớt, vị đậm đà khó cưỡng của cua đá làm cho bữa cơm giữa rừng dậy lên sự thơm ngon khó tả. Ăn xong, những sợi mây róc vỏ còn lại to như ngón chân cái được mọi người chẻ nhỏ, vót lấy phần cật của mây cuộn lại thành bó tròn cõng về sử dụng.
Một thời gian sau, tôi có dịp đi công tác và tìm đến làng Hle Ktu (thị trấn Kông Chro) để thăm anh. Chúng tôi làm lễ kết nghĩa anh em sau đó ít hôm. Từ ấy, tôi được coi như là thành viên của gia đình anh. Tôi rất thích ngắm nhìn những chiếc rổ, chiếc gùi đan bằng mây rừng trong nhà anh. Qua bàn tay khéo léo của anh, chúng đã trở thành những vật dụng rất chắc chắn, đẹp mắt.
40 năm trôi qua, làng Hle Ktu đã thay đổi khá nhiều, không còn những nếp nhà tranh ẩn mình mộc mạc. Tôi đến thăm nhà anh Glim và may thay vẫn gặp được anh. Nay anh đã già lắm rồi, đang ngồi sưởi ấm gần bếp lửa trong ngôi nhà xây. Nhìn những vật dụng bằng mây còn rất ít ỏi, đa phần đã cũ, thay vào đó là vật dụng bằng nhựa cho tiện dụng, tôi hỏi anh còn nhớ những kỷ niệm xưa mình ở rừng không. Đôi mắt anh nhìn xa xăm lặng lẽ, tựa hồ không nhớ nổi chuyện xưa...
 AN SINH

Có thể bạn quan tâm