(GLO)- Sau 4 năm (2007-2010) triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án, do ông Nguyễn Đình Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang (Gia Lai) làm Trưởng ban đã chi sai nguyên tắc gần 1,5 tỷ đồng, trong đó quyết toán khống hơn 1 tỷ đồng, chi không đúng quy định của nhà tài trợ gần 220 triệu đồng…
Lợi dụng chính sách
Ban Quản lý dự án đã ký hợp đồng với Trường Trung học Lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện lập phương án giao đất, giao rừng, sử dụng đất theo Quyết định số 479 ngày 13-3-2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng là đồng bào dân tộc thiểu số (đợt II) với diện tích 3.000 ha tại 3 xã: Đê Ar, Đak Trôi và Kon Chiêng. Hợp đồng này không có định mức chi tiết cho việc lập dự toán, chi phí không được cấp có thẩm quyền thẩm định, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước về thu nhập. Trường Trung học Lâm nghiệp Tây Nguyên không thực hiện việc đo vẽ bản đồ, lập phương án tại xã Kon Chiêng. 3.000 ha thuộc vùng dự án này (tại các tiểu khu 591, 561, 565) đã được UBND huyện Mang Yang cấp hơn 200 giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất và giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân ở 3 xã Đê Ar, Đak Trôi, Kon Chiêng quản lý theo dự án ADB1.
Chờ nhận tiền chính sách từ dự án. Ảnh: Hoàng Cư |
Hồ sơ Trưởng ban Quản lý dự án ký hợp đồng với Phó ban Quản lý dự án-ông Trần Văn Đức, Phó trưởng khoa Nông nghiệp-Trường Trung học Lâm nghiệp Tây Nguyên để triển khai đề án là không đúng với chứng từ ghi số 029 ngày 29-12-2008 và phiếu chi ngân hàng số 213 ngày 25-12-2009 thanh toán số tiền hơn 82 triệu đồng, nội dung chi cho đề án nghiên cứu tri thức bản địa Bana. Thực chất đề án này là đề tài nghiên cứu sinh của Đặng Thị Hà, ở Hà Nội thực hiện. Đề tài này chưa được nghiệm thu của Hội đồng Khoa học, nhưng Ban Quản lý dự án vẫn cố tình đưa vào quyết toán vốn của chương trình hỗ trợ phát triển nông thôn.
Phiếu chi ngân hàng số 069 ngày 22-5-2009 đã chi 60 triệu đồng để mua 60 con heo hỗ trợ cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đói; nhưng xác minh qua ông Puih Plich-cán bộ Trung tâm Khuyến nông huyện Mang Yang-người trực tiếp thực hiện chỉ mua 30 con heo, với giá 30 triệu đồng. Số tiền còn lại 30 triệu đồng đã bị vụ lợi, tham nhũng. Phiếu chi ngân hàng 077 ngày 25-5-2009, chi 31.500.000 đồng để quyết toán hỗ trợ nạo vét 300 mét kênh mương; nhưng thực tế Ban Quản lý dự án chỉ chi 15.750.000 đồng để thực hiện 150 mét kênh mương. Số tiền còn lại là quyết toán khống, chiếm dụng trái phép.
Ký khống hàng loạt séc
Theo quy định của nhà tài trợ Action Aid: “Chỉ được chi bằng tiền mặt các khoản chi có trị giá nhỏ hơn hoặc bằng 5.000.000 đồng. Thế nhưng, từ năm 2007 đến năm 2009, phần lớn các khoản chi đều được Ban Quản lý dự án thực hiện bằng tiền mặt (trừ lương, tiền điện, điện thoại).
Đối với việc sử dụng séc kế toán không theo dõi nội dung chi, số tiền lưu ở cuốn séc. Để rút tiền mặt dễ dàng tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Trưởng ban Quản lý dự án đã ký khống vào séc. Rất nhiều séc có giá trị lớn, vượt quá nhiều chục lần quy định của nhà tài trợ, điển hình như: Séc rút ngân hàng tiền mặt gần 293 triệu đồng vào ngày 29-9-2008, séc rút ngân hàng gần 276 triệu đồng vào ngày 13-11-2008, séc rút ngân hàng 269 triệu đồng ngày 26-6-2008, séc rút ngân hàng 215,5 triệu đồng ngày 18-6-2008… Toàn bộ số tiền này, Ban Quản lý dự án hợp thức hóa bằng những chứng từ chi ngân hàng cho các đối tác. Do vậy, nhiều khoản chi, thanh toán khống.
Nhằm chi và rút tiền mặt thuận lợi, tránh sự kiểm soát, giám sát của cơ quan có thẩm quyền; Ban Quản lý dự án đã chủ động mở tài khoản tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang, không thực hiện mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước huyện như quy định tại Điều 2, Quyết định số 105 ngày 5-11-2008 của Chủ tịch UBND huyện Mang Yang: “Ban Quản lý dự án được sử dụng con dấu riêng để giao dịch công tác, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước huyện…”.
Những sai phạm nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã có quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Đình Sơn.
Hoàng Cư