Sau khi móc nối được với một số tổ chức khủng bố, phản động lưu vong ở nước ngoài và các đối tượng cực đoan trong nước, Trần Thị Xuân (Hà Tĩnh) đã dùng tiền của các tổ chức này để làm từ thiện nhưng thực chất là lôi kéo người dân nhằm chống đối và lật đổ chính quyền.
Bị cáo Trần Thị Xuân tại phiên toà sáng 12-4 |
Sáng 12-4, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh mở phiên toà sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Xuân (42 tuổi, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), tuyên phạt bị cáo Xuân 9 năm tù giam và 5 năm quản chế nơi cư trú sau khi chấp hành xong hình phạt tù về hành vi "Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân".
Trần Thị Xuân bị Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ vào ngày 17-10-2017.
Theo cáo trạng, từ tháng 7-2016, thông qua một số người quen biết và mạng xã hội, Trần Thị Xuân đã "móc nối" với một số đối tượng phản động, từ đây Xuân được bầu làm Phó Ban điều hành chi hội Anh em dân chủ miền Trung.
Trong thời gian này, Trần Thị Xuân đã nhận tổng cộng 170 triệu đồng từ tổ chức khủng bố, phản động lưu vong ở nước ngoài và các đối tượng cực đoan trong nước.
Sau khi nhận được số tiền trên, Xuân đã tham gia vào các hoạt động "từ thiện", "vì cộng đồng"… Tuy nhiên, âm mưu thật sự là dùng tiền, vật chất của các tổ chức phản động lôi kéo, móc nối các đối tượng khác có tư tưởng chống đối chính quyền trên địa bàn cùng tham gia các hội, nhóm chống đối nhằm tuyên truyền cho cái gọi là xây dựng xã hội "dân chủ".
Vào ngày 3-4-2017, sau khi kêu gọi được nhiều đối tượng quá khích tụ tập đông người, gây rối tại trụ sở làm việc UBND huyện Lộc Hà, Trần Thị Xuân đã trực tiếp cầm micro hò hét, kích động người dân đập phá tài sản, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của huyện Lộc Hà trong nhiều giờ.
Trần Thị Xuân sau đó đã bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ vào ngày 17-10-2017.
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Xuân đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của mình.
"Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm đến sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân. Vì vậy cần thiết phải xử phạt bị cáo thật nghiêm nhằm đủ thời gian để giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành công dân có ích, đồng thời đủ sức răn đe, trừng phạt cũng như phòng ngừa chung"- Hội đồng xét xử nhận định.
Bảo Anh (NLĐO)