(GLO)- Cho vay tái canh cây cà phê là một chương trình tín dụng mới nằm trong chuỗi đầu tư tín dụng phát triển thị trường nông nghiệp-nông thôn của Agribank Gia Lai. Đây cũng là một lĩnh vực hứa hẹn nhiều tiềm năng khi tỉnh chủ trương giữ ổn định diện tích cà phê hiện có, đồng thời tập trung đầu tư vốn xây dựng vùng chuyên canh đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến cà phê...
Quầy giao dịch của Chi nhánh Agribank Chư Sê. Ảnh: S.C |
Là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về diện tích và sản lượng cà phê, trong 3 năm gần đây, Gia Lai không mở rộng diện tích cà phê mà tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất diện tích hiện có. Vì vậy, về cơ bản diện tích cà phê ổn định. Đơn cử như năm 2011 là 77.568 ha, năm 2012 là 77.688 ha, năm 2013 là 77.631 ha. Diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh được nhìn nhận là trẻ hơn so với Đak Lak và Lâm Đồng, hầu như diện tích cà phê lâu niên tại Gia Lai được trồng từ những năm 1995-1999. Vào thời điểm đó, diện tích cà phê ước khoảng 5.000-6.000 ha, sau đó tiếp tục phát triển mở rộng để đạt con số như hiện nay. So với mặt bằng chung, tuổi đời của cây cà phê Gia Lai xấp xỉ 18-20 năm, 95% diện tích là cà phê trẻ, nhu cầu tái canh vẫn có nhưng chưa tới mức cấp thiết như các nơi khác. Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà Gia Lai không thuộc diện “phủ sóng” của chương trình tín dụng hỗ trợ đầu tư tái canh cây cà phê do Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) thực hiện trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II năm 2013 diễn ra trong tháng 4 vừa qua.
Theo quy trình tái canh cà phê vối do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành, việc tái canh áp dụng đối với vườn cà phê trên 20 năm tuổi, sinh trưởng kém và năng suất bình quân nhiều năm liền dưới 1,5 tấn nhân/ha; không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo được. Hoặc vườn cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng cây sinh trưởng kém, năng suất bình quân dưới 1,2 tấn nhân/ha liên tục trong 3 năm, không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo được.
Trên cơ sở đó, thông qua hoạt động đầu tư tín dụng thị trường nông nghiệp-nông thôn (trong đó, tỷ trọng dư nợ cho vay ngành cà phê đạt 1.555 tỷ đồng, chiếm tới 20%/tổng dư nợ), Agribank Gia Lai nhận thấy: Đầu tư tín dụng tái canh cây cà phê là một lĩnh vực nhiều tiềm năng-nhất là khi diện tích đã ổn định, nhu cầu tái canh cà phê trong dân đã hình thành tại các vùng chuyên canh lớn như Đak Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Đức Cơ, Chư Prông. Một ví dụ điển hình cho quy trình tái canh thành công hiện nay là Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai (huyện Ia Grai). Sau 3 năm tích cực tiến hành thử nghiệm quy trình kỹ thuật tái canh bài bản trên 100 ha cà phê già cỗi, sinh trưởng kém, đến năm thứ 4 thì diện tích cà phê tái canh đạt mức 2,5 tấn nhân/ha, chất lượng cà phê đồng đều.
Bàn về hướng đầu tư tín dụng cho tái canh cây cà phê, ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Gia Lai nhấn mạnh: Trong khoảng 3-5 năm tới, nhu cầu tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao, phát sinh nhu cầu đầu tư vốn dài hơi. Đây là việc làm cần thiết nhằm cải thiện chất lượng, năng suất, sản lượng cà phê không chỉ riêng Gia Lai mà cho cả khu vực Tây Nguyên. Theo khảo sát nhu cầu thị trường của Agribank Gia Lai, diện tích cà phê cần tái canh hiện nay trên địa bàn khoảng 2.000 ha. Trong đó, diện tích của dân là 1.000 ha, doanh nghiệp là 1.000 ha.
Ảnh: S.C |
Bằng cách làm luân canh cuốn chiếu, tùy theo vùng, điều kiện, phương thức tái canh thì nhu cầu vốn đầu tư bình quân từ 150 triệu đồng đến 210 triệu đồng/ha; tổng nhu cầu vốn tái canh là 300-420 tỷ đồng. Trên cơ sở dự toán ban đầu, mức vốn đầu tư của Agribank Gia Lai chiếm khoảng 250-300 tỷ đồng và sẽ phân bổ trong 3 năm kiến thiết tái canh (bình quân mỗi năm 80-100 tỷ đồng). Hiện nay, Agribank Gia Lai đã chính thức giải ngân 16 tỷ đồng cho Công ty Cà phê Ia Grai, Công ty Cà phê Ia Sao I vay đầu tư tái canh 200 ha cà phê, với hạn mức vay trung-dài hạn (7-10 năm, lãi suất thông thường 11-13%/năm).
Để chương trình tái canh thành công, ngoài các yếu tố kỹ thuật, phương pháp, giống thì nguồn vốn đầu tư vô cùng cần thiết cho nông dân lẫn doanh nghiệp. Nếu Gia Lai được hỗ trợ đầu tư tái canh thông qua gói vốn 10.000 tỷ đồng, đương nhiên người trồng cà phê sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn 1-1,5% so với mức lãi suất thông thường, ổn định trong suốt thời gian vay 7-10 năm. Tuy nhiên, để cơ chế chính sách này sớm trở thành hiện thực và phủ sóng rộng rãi, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng và của cả Agribank Gia Lai.
Sơn Ca