Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2010 của Bộ Công Thương, tổ chức vào sáng 6-7, ngành điện đã nhận khá nhiều ý kiến trách móc do thiếu điện làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng: Dù rất thông cảm với ngành điện vì lý do bất khả kháng, nhưng với việc cắt điện hơn 6 ngày/tháng trong thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại rất nhiều.
Ông Giang cho rằng, ngành dệt may có thể đạt được trên 5 tỷ USD chứ không phải kim ngạch xuất khẩu hơn 4,8 tỷ USD của 6 tháng qua, nhưng do ảnh hưởng của việc cắt điện nên đành “lực bất tòng tâm”.
Bà Nguyễn Thị Tòng, Phó chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam, cũng ca thán việc mất điện đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp thuộc hiệp hội, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực thuộc da.
Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp về tình trạng cung cấp điện trong những tháng qua, tuy nhiên, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng nêu những khó khăn mà ngành điện đang phải đối mặt rất cần được doanh nghiệp và dư luận chia sẻ.
Ông Hưng cho biết, với nhu cầu ngày càng tăng và tình hình hạn hán nghiêm trọng, EVN đã huy động toàn bộ công suất để phát điện kể cả mua ngoài giá cao, trong 6 tháng qua, EVN đã chịu lỗ khoảng 4.700 tỷ đồng. Giá bán điện quá thấp, không đủ bù đắp chi phí kéo theo nhiều hệ lụy như không có nhà đầu tư nước ngoài nào muốn tham gia vào ngành điện; hay như việc thiếu vốn để triển khai các dự án nhằm đảm bảo đủ điện cung ứng cho nền kinh tế.
Theo EVN, do thời tiết khô hạn và nước về muộn nên trong 6 tháng đầu năm, nguồn thủy điện của EVN chỉ huy động bằng 84,46%, hụt hơn 1,7 tỷ kWh so cùng kỳ năm 2009. Để phấn đấu đáp ứng điện cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của đất nước, 6 tháng qua, cùng với sản xuất 27,6 tỷ kWh, tăng 5,86% so với cùng kỳ, EVN đã huy động tất cả các nguồn điện hiện có, tăng cao sản lượng điện mua ngoài lên 18,3 tỷ kWh, tăng 37,45% so cùng kỳ; trong đó mua của Trung Quốc hơn 2,4 tỷ kWh, tăng 31,19%.
Trong đó có các nguồn điện có giá thành rất cao như nhiệt điện dầu tăng 179,85%, tua-bin khí chạy dầu tăng 604,8% và Diesel tăng 21,76% so cùng kỳ năm 2009.
Vấn đề mấu chốt của ngành điện lúc này chính là giá bán điện. Ngay cả các tập đoàn lớn như Than khoáng sản, Dầu khí có nhà máy sản xuất điện để bán cho EVN cũng “kêu” giá bán thấp hơn giá thành sản xuất và cần giải nhanh bài toán giá điện mới mong thúc đẩy được việc đầu tư, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó là các nhà máy thủy điện của tư nhân, ông Hưng cho rằng, nếu mua giá cao thì chắc chắn là người tiêu dùng phải chịu.
Cùng với tiếp tục huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí; huy động nhiệt điện dầu FO, mua điện Trung Quốc ở mức cao, nâng sản lượng điện sản xuất và mua ngoài cả năm 2010 đạt 97 tỷ kWh, trong 6 tháng cuối năm, EVN phấn đấu đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và xã hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VI, các dự án lưới điện cấp bách cấp điện cho Thủ đô Hà Nội và chuẩn bị các giải pháp chống thiếu điện cho miền Nam sau năm 2012.
Ngoài ra, EVN cũng chuẩn bị các điều kiện để khởi công trong năm 2011 các dự án: Thuỷ điện Trung Sơn, Thuỷ điện Sông Bung 2, Nhiệt điện Thái Bình 1; Hoàn thành các thủ tục đầu tư các dự án trong Trung tâm Điện lực Ô Môn phù hợp với tiến độ khí Lô B đưa vào khai thác...
Theo VOV