Bạn đọc

Lộ diện đường dây… cò ở Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày đầu tháng 11 này, UBND huyện Đak Hà (tỉnh Kon Tum) liên tiếp nhận hàng loạt báo cáo từ các xã, thị trấn, đơn trình báo, tố cáo, khiếu nại, khởi kiện của công dân với bà Trịnh Thị Ánh Ngọc (tổ dân phố 3, thị trấn Đak Hà) vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi… Hàng loạt khổ chủ đã phải mất ăn, mất ngủ, trong khi chính quyền thì liên tục tổ chức các cuộc họp khẩn nhằm tìm cách giải quyết hậu quả trên.

Cò… tín dụng

“Ai cần vay ngân hàng cứ tìm đến cô Ngọc là được tất, bao nhiêu cũng có” là những thông tin mà người dân ở Đak Hà thường nói với nhau mỗi khi gặp khó trong việc vay vốn ngân hàng. Quả thật, hàng loạt hộ dân (cơ quan chức năng chưa thống kê hết dù sự việc đã xảy ra gần 10 ngày qua) đang có nhu cầu vay vốn gấp đã được Trịnh Thị Ánh Ngọc giúp trong lúc khó khăn. “Lúc đầu tôi cần 200 triệu đồng để giải quyết việc riêng, tôi đã mang 2 bìa đỏ của rẫy cà phê 1,2 ha và nhà ở nhưng lên phòng giao dịch của các Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương (Ngân hàng Công thương), Đông Á… đều không được. Nghe người ta nói tìm cô Ngọc thì sẽ được nên tôi làm theo. Lúc đầu cô Ngọc có nói nếu muốn vay phải mua vườn cà phê của Ngọc với giá 600 triệu đồng thì mới giải quyết được nhưng tôi không chịu.

Giấy bán đất viết tay. Ảnh: Cao Nguyên
Sau đó, cô ta nói tôi mua lô đất ở thị trấn 200 triệu đồng (giá thực chỉ gần 100 triệu đồng) thì sẽ được nên tôi cũng đồng ý”- ông Trịnh Thúc Hội- tổ dân phố 10 thị trấn Đak Hà nói. Theo ông Hội thì sau đó Ngọc đã làm bìa đỏ đứng tên ông rất nhanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh-hộ kinh doanh (số 001700) cùng 3 bìa đỏ của ông (trong đó có bìa Ngọc bán) để đi vay được 500 triệu đồng từ Ngân hàng Công thương. Tuy nhiên sau khi trừ các khoản chi phí (do Ngọc tự ghi), trong đó có tiền lãi trả trước 6 tháng, tiền chi phí cho ngân hàng (15 triệu đồng) và tiền đất thì ông Hội chỉ còn thực nhận 146 triệu đồng. “Giờ tôi lo tiền lãi làm sao trả nổi. Lô đất kia muốn bán cũng khó vì chẳng ai chịu trả mình 200 triệu đồng đâu”- ông Hội than vãn.

Cũng với thủ đoạn trên, Ngọc đã đứng ra lo giúp cho chị Trần Thị Lương, tổ 10 thị trấn Đak Hà vay 600 triệu đồng (nhưng chỉ cần 300 triệu đồng để mua vườn) nhưng phải mua đất và vườn của Ngọc lên đến gần 500 triệu đồng. Sau đó Ngọc lại làm bìa đỏ, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… thì số tiền còn lại chỉ là 15 triệu đồng. Theo như giấy biên nhận Ngọc ghi thì ngày 12-5-2010 Ngọc cho Lương vay 30 triệu đồng để rút 1 bìa đỏ vay ở Ngân hàng Nông nghiệp với tiền lãi cho 1 tuần vay là 720 ngàn đồng. Ngày 7-3 gần 4,4 triệu đồng tiền lãi (do mua rẫy của Ngọc nhưng không có tiền đặt cọc) nên Ngọc cho nợ (20 triệu đồng tiền cọc) và lấy lãi 2 tháng 13 ngày là gần 4,4 triệu đồng. Ngày 29-3 vay 15 triệu đồng, lãi gần 2,3 triệu đồng trong 51 ngày… “Tôi chẳng biết gì, đó là Ngọc tự ghi lại chi tiết tiền chi phí, tôi chỉ biết Ngọc đưa lại 15 triệu đồng thôi”.

Bằng thủ thuật trên, những người mà phóng viên tiếp xúc muốn nhờ Ngọc vay ngân hàng giúp đều phải mua lại đất, vườn của Ngọc với giá cắt cổ cùng nhiều chi phí khác. Trong khi đó, theo báo cáo của Đảng ủy xã Hà Mòn thì tại địa bàn xã đã có 17 người được bà Ngọc làm môi giới vay ngân hàng, thị trấn là 5 hộ… đây chỉ là những con số ban đầu, chưa thống kê hết vì nhiều gia đình phóng viên đã tiếp xúc không có tên. “Đây là lần đầu tiên ở Kon Tum xuất hiện một dạng cò tín dụng như vậy”- một lãnh đạo ngân hàng tỉnh Kon Tum khẳng định.

Tuy nhiên, chưa dừng lại đó, những ngày qua, riêng thị trấn đã có 11 người làm đơn tố giác Ngọc đã vay họ với số tiền 5,2 tỷ đồng, xã Hà Mòn có 4 hộ Ngọc đã vay với số tiền gần 5,5 tỷ đồng. Bà Võ Thị Thu Loan ở TP. Kon Tum cũng đã khởi kiện Ngọc vay 3,85 tỷ đồng. Những con số trên ngày một dài ra trong những ngày qua tại Đak Hà và đến trung tuần tháng 11 này đã gần 15 tỷ đồng nhưng đó chưa phải là con số cuối. Hiện dư luận tại Đak Hà đồn rằng Ngọc nói ai mà báo cáo chính quyền thì Ngọc sẽ không trả nên…

“Tín dụng”…  cò

Có một điều khiến người dân thắc mắc là không hiểu vì sao mà Trịnh Thị Ánh Ngọc có thể dễ dàng vay ngân hàng một cách nhanh chóng như vậy? Theo một lãnh đạo ngân hàng ở Đak Hà thì trước đó có lần Ngọc gửi cả một xấp 6-7 bộ hồ sơ vay tại ngân hàng mình nhưng anh không chịu vì không đúng thực tế nhưng không hiểu vì sao lại vay được ở ngân hàng khác. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì các vụ Ngọc làm cò tất cả đều được vay tại Phòng Giao dịch Chi nhánh Ngân hàng Công thương tại Đak Hà. Ngoài ra, theo như giấy tờ mà Ngọc tự kê lại cho các khổ chủ thì khi vay giúp Ngọc đều có cho phí riêng cho ngân hàng (ngoài quy định) cả chục triệu đồng nhưng không có biên lai”.

Cũng tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Công thương thì trong tháng 10 vừa qua đã xảy ra vụ việc không tưởng là chị Nguyễn Thị Thùy Anh- cán bộ Ngân hàng Công thương tại Đak Hà đã vi phạm quy định về việc cung cấp thông tin cho cá nhân có thẩm quyền (Quyết định 1838/QĐ-HĐQT-NHCT) khi tự ý cấp lại một giấy nộp tiền cho Ngọc nhưng không theo bản gốc của liên 1 tại ngân hàng. Vụ việc chỉ vỡ lở khi anh Nguyễn Tiến Dũng- tổ 7 thị trấn Đak Hà khởi kiện chị Thùy Anh về vụ việc trên. Vì trước đó anh đã cùng vợ có vay 350 triệu đồng tại ngân hàng, thời hạn vay 9 tháng. Đến 8-9-2010 anh đã đến ngân hàng trả nợ gốc và lãi là hơn 352 triệu đồng, ngân hàng có giao lại anh Dũng 1 giấy nộp tiền (liên 2).

Tuy nhiên sau đó Ngọc đã khởi kiện Dũng nợ mình số tiền trên vì Ngọc cho rằng chính Ngọc trả giúp Dũng. Ngoài ra, Ngọc cho rằng mình đã làm mất liên nên đề nghị viết lại với nội dung là Ngọc là người trả. Khi anh Dũng đề nghị Tòa án phô tô tài liệu vụ án dân sự trên thì phát hiện có giấy nộp tiền (liên 2) mang tên Ngọc trả giống giấy nộp mà ngân hàng đã giao anh. Căn cứ vào tài liệu và chứng cứ thu thập, Cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện đều khẳng định nhân viên ngân hàng đã có hành vi làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu.

Bên cạnh đó, ngân hàng khi cho vay cũng đã không làm tốt chức năng kiểm tra trước, trong và sau khi giải ngân để theo dõi vốn vay có thực hiện đúng như cam kết hay không vì gần như tất cả hộ dân vay đều không có kinh doanh nông sản như cam kết nhưng không một cán bộ nào ngân hàng kiểm tra, thẩm định.

Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng thì Ngọc có tới 62 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã thế chấp vay vốn 22 giấy chứng nhận, trong đó Ngân hàng Công thương là 9 giấy, Ngân hàng Ngoại thương là 12 giấy (riêng ngày 20-9-2011, Ngọc có thế chấp tới 6 bộ để vay), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển thế chấp 1 bộ. Số còn lại Ngọc đã chuyển nhượng, tặng 20 giấy, còn lại 20 giấy chứng nhận.

Cao Nguyên

Có thể bạn quan tâm