Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

“Loạn” tranh chấp đất giữa người dân và doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su, trên địa bàn huyện Chư Pưh có hơn 5.000 ha rừng nghèo được UBND tỉnh phê duyệt chuyển giao cho 5 doanh nghiệp lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai dự án, đã xảy ra tình trạng người dân ồ ạt lấn chiếm đất của các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Chiếm đất dự án

Từ năm 2008 đến nay, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại 289 (TP. Hồ Chí Minh) được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi trên 548 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Ia Phang, huyện Chư Pưh sang trồng cao su. Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện dự án, các hộ dân xã Ia Phang, Ia Le đã vào khu vực dự án lấn chiếm đất trái phép để canh tác, cản trở đơn vị khai hoang, nhiều lần xảy ra xô xát giữa các hộ dân và nhân viên Công ty.

Đến thời điểm này, tại các tiểu khu 1114, 1117 được UBND tỉnh giao cho Công ty 289 đầu tư dự án trồng cao su đã có hơn 146 ha đất bị 63 hộ dân lấn chiếm. Dù chính quyền địa phương và Công ty nhiều lần tuyên truyền, vận động, nhưng tình trạng này không những không chấm dứt mà có xu hướng lan rộng…

 

Người dân dựng chòi làm rẫy trong đất dự án. Ảnh: Lê Anh

Cùng chung cảnh ngộ, gần 4 năm qua, Công ty CPTĐ Đức Long “đau đầu” tìm cách giải quyết nhưng chưa thể đòi lại 78 ha đất tại xã Ia Blứ bị dân lấn chiếm để canh tác. Còn tại xã Ia Le, Công ty Trường Thịnh, Công ty Lê Khanh cũng phải đứng nhìn 22 ha đất được giao để thực hiện dự án trồng rừng của đơn vị mình bị lấn chiếm; một số diện tích người dân đã xây dựng nhà ở, lập ranh giới sinh sống ổn định... Với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai dù đã nhiều lần đối thoại, nhượng bộ các hộ dân, chấp nhận để họ canh tác trên diện tích 24 ha đã lấn chiếm trước đó, nhưng vẫn chưa thể giải quyết được tranh chấp, khi diện tích đất của Tập đoàn bị lấn chiếm tiếp tục nới rộng lên 44 ha.

Tình trạng này kéo dài đã khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai đầu tư các hạng mục của dự án; đồng thời làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn huyện Chư Pưh.  

“Phép vua” thua lệ làng?

Qua kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng huyện Chư Pưh, trong tổng số gần 300 ha đất người dân lấn chiếm của các dự án có hơn 50% diện tích người dân canh tác trước thời điểm triển khai dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su (trước năm 2008). Trong quá trình xử lý, các hộ dân đều cho rằng, diện tích đất trên được canh tác từ thời cha ông để lại, nên không chấp nhận trả đất cho doanh nghiệp. Để tìm lối thoát, một số doanh nghiệp chấp nhận để người dân xen canh cây ngắn ngày trên diện tích đất trồng cao su, đồng thời thỏa thuận đền bù công khai hoang và tạo điều kiện cho người dân vào làm công nhân cho các công ty. Nhưng với phong tục tập quán và tập tục canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, những giải pháp trên vẫn chưa thể đem lại hiệu quả.

Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất dự án ngày càng phức tạp tại Chư Pưh cũng có phần lỗi của các doanh nghiệp. Ông Lưu Trung Nghĩa-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: “Trong quá trình tư vấn, lập hồ sơ dự án của một số doanh nghiệp chưa khớp với thực tế, không phản ánh đúng thực trạng sử dụng đất của người dân. Một số dự án không đầu tư đúng theo cam kết, năng lực tổ chức sản xuất của doanh nghiệp chậm, thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh về tầm quan trọng của việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, cũng như trong công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát. Thậm chí một số doanh nghiệp không lập phương án đền bù công khai hoang và hoa màu trên đất cho nhân dân…”. Bên cạnh đó, một số đối tượng xấu đã lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su để lấn chiếm đất dự án, đồng thời kích động nhân dân giữ đất, khiến tình hình trở nên phức tạp.  

Để cân bằng quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, trong thời gian qua, huyện Chư Pưh cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về diện tích đất các hộ dân canh tác trước năm 2008 cần để lại cho dân sản xuất. Diện tích các hộ dân canh tác từ năm 2009 đến nay, doanh nghiệp phải thỏa thuận đền bù chi phí khai hoang và cho thu hoạch hoa màu, sau đó các hộ sẽ trả lại đất. Bằng nguồn kinh phí của mình, huyện đã thuê tư vấn đo vẽ thực địa, tìm những nguồn đất sản xuất mới để kiến nghị cấp cho những hộ dân thực sự thiếu đất sản xuất…

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cũng nên tiến hành rà soát, kiểm tra năng lực tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp được cấp dự án. Nếu đơn vị nào không thực hiện đúng tiến độ như cam kết, cần có hình thức xử lý, thu hồi dự án theo quy định của pháp luật. Vì thực tế, trong số hơn 5.000 ha giao cho các doanh nghiệp, vẫn còn rất nhiều diện tích khai hoang rồi bỏ trống, thiếu quản lý, tạo điều kiện cho các hộ dân lấn chiếm, dẫn đến tranh chấp.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm