TN - Đất & Người

Loay hoay xử lý, rừng vẫn bị triệt hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng trăm hộp gỗ đã cưa xẻ tập kết thành bãi lớn trên đường tuần tra bảo vệ rừng nhưng sau nhiều tháng điều tra, cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý hình sự được ai
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 26-9, ông Nguyễn Đình Viên - Bí thư Huyện ủy Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk - cho biết vừa quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Trương Thanh Chương - nguyên bí thư chi bộ, nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (Công ty Chư Phả). Trước đó, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã quyết định kỷ luật khiển trách ông An Ngọc Tân, giám đốc công ty này.
Khó xử lý chủ rừng
Cuối tháng 11-2017, từ nguồn tin của người dân báo, phóng viên đã có mặt tại "công trường" khai thác, tập kết gỗ lậu ngay trên đường tuần tra bảo vệ rừng của Công ty Chư Phả. Tại hiện trường có hàng trăm hộp gỗ đã cưa xẻ vuông vức với hơn 45 m3, tập kết thành bãi lớn. Lâm tặc còn ngang nhiên đưa 2 đầu kéo xe máy cày, 2 rơ-moóc xe máy cày… vào khai thác gỗ lậu. Đáng nói, bãi tập kết gỗ cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 (Công ty Chư Phả) hơn 5 km, trạm đặt cạnh con đường tuần tra dẫn vào bãi tập kết gỗ nhưng lực lượng bảo vệ rừng đều khẳng định không biết (!?). Tưởng chừng vụ việc sẽ sớm sáng tỏ vì lực lượng chức năng đã bắt tại trận 2 đối tượng đang khai thác gỗ nhưng sau hơn 10 tháng điều tra, đến nay vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm.
Hiện trường vụ khai thác, tập kết hơn 45 m3 gỗ tại lâm phần của Công ty Chư Phả. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Hiện trường vụ khai thác, tập kết hơn 45 m3 gỗ tại lâm phần của Công ty Chư Phả. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Về vụ việc này, một lãnh đạo Công an huyện Ea H’leo cho biết tại cơ quan công an, 2 đối tượng tham gia khai thác gỗ lậu bị bắt quả tang nhưng chỉ khai thác một phần, còn bãi gỗ này do nhiều nhóm đối tượng khai thác nên không đủ khối lượng để xử lý hình sự. Với Công ty Chư Phả, theo vị lãnh đạo này, toàn bộ số gỗ tại hiện trường là hơn 45 m3, trị giá trên 200 triệu đồng (định lượng khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là trên 100 triệu đồng - PV). Tuy nhiên, số lượng gỗ mà 2 đối tượng nhận khai thác tại lâm phần của Công ty Chư Phả quy ra tiền chỉ khoảng 70 triệu đồng.
Sau đó, cơ quan công an cũng đã trưng cầu giám định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Khoa Lâm nghiệp Trường ĐH Tây Nguyên nhưng chỉ giám định được số gỗ cưa tại 11 gốc cây, không đủ định lượng khởi tố. Cơ quan công an cũng đã trưng cầu giám định ra Viện Khoa học Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng cũng bị từ chối nên đang gặp khó khăn trong việc xác định số gỗ khai thác tại lâm phần của Công ty Chư Phả. "Quan điểm của cơ quan điều tra là đề xuất khởi tố vì không ai chở gỗ từ nơi khác đến đó đổ và nhận định ban đầu của công ty là toàn bộ số gỗ này khai thác trên lâm phần công ty. Tuy nhiên, hiện vẫn chờ ý kiến chỉ đạo của liên ngành cấp trên" - vị này thông tin.
Thiệt hại lớn về tài sản
Liên quan đến Công ty Chư Phả, theo UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk, với trách nhiệm là bí thư chi bộ (từ tháng 6-2015 đến 3-2018), Phó Giám đốc phụ trách Công ty Chư Phả (từ tháng 5-2014 đến 10-2017), ông Trương Thanh Chương chịu trách nhiệm chính đối với các sai phạm, khuyết điểm của chi bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và Ban Giám đốc Công ty Chư Phả.
Ông Chương cũng chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc để mất đất, mất rừng và lâm sản bị khai thác, tập kết trái phép với quy mô lớn trên địa bàn công ty quản lý; không xây dựng quy hoạch cán bộ thuộc công ty quản lý; bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, không có quy hoạch, không có hồ sơ bổ nhiệm. Ngoài ra, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng kết luận ông Chương có sai phạm trong công tác quản lý tài chính, tài sản, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; hợp đồng cho thuê nhà và thuê đất không đúng quy định của UBND tỉnh, vi phạm Luật Đất đai; hợp đồng giao khoán đất rừng không đúng đối tượng và thẩm quyền. "Các khuyết điểm, vi phạm nói trên của ông Chương là nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài chính, tài sản nhà nước; gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và người lao động công ty; làm giảm uy tín tổ chức Đảng và cá nhân ông Chương" - UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk kết luận.
Nhiều vấn đề trong quản lý đất nông - lâm trường
Ngày 26-9, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (HĐDT) đã có buổi làm việc với các bộ, ngành về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh. Phó Chủ tịch HĐDT Cao Thị Xuân cho biết qua giám sát cho thấy với hơn 9 triệu ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường đang được các công ty, tổ chức, gia đình và cá nhân sử dụng mới rà soát, đo đạc, cắm mốc, thiết lập hồ sơ quản lý của các công ty nông - lâm nghiệp, chiếm 25,8% tổng diện tích. Tại một số công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng; nguồn lực đất đai chưa thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng và mục đích vẫn xảy ra phổ biến. HĐDT đã chỉ ra nhiều nguyên nhân như phối hợp giữa chính quyền địa phương với các công ty nông lâm nghiệp còn chưa chặt chẽ dẫn đến việc phát hiện và ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai chưa xử lý một cách triệt để.
T.Dũng
Cao Nguyên (Người lao động)

Có thể bạn quan tâm