Chính trị

Tin tức

Lựa chọn những đại biểu có năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 22-5-2016 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Theo đó, nhân dân sẽ sáng suốt lựa chọn, bầu những đại biểu thực sự đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực, bản lĩnh, tâm huyết, hành động theo ý chí, nguyện vọng, nhất là sẵn sàng bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân tới cùng. Cử tri sẽ không bầu những người không dám nói tiếng nói của lòng dân hoặc chỉ nói để lấy lòng, ba phải, nói theo và không biết nói gì. Đại biểu dù đang giữ cương vị công tác nào cũng phải hiểu rõ rằng mình đã được nhân dân trao quyền, thay mặt nhân dân tham gia vào cơ quan nhà nước, để nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân.
 

Cử tri bầu cử Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Thanh Nhật

Để làm được điều đó, đại biểu HĐND phải luôn gần gũi nắm bắt tâm tư nguyện vọng, thu thập ý kiến của dân. Một phẩm chất quan trọng nữa của đại biểu là phải có bản lĩnh, tri thức để phản ánh khách quan, trung thực, có chính kiến hoặc phản biện rõ ràng với các cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền trách nhiệm giải quyết. Mặt khác, giải thích cho dân rõ, dân hiểu đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền để dân hiểu và thực hiện.

Sự thẳng thắn, dũng cảm của các đại biểu sẽ nói lên tiếng nói trung thực về những bức xúc, trăn trở, đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Từ đó, các vấn đề “nóng” sẽ được hệ thống chính trị các cấp tập trung giải quyết. Điều này không những nâng cao uy tín của đại biểu mà còn  góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền, tạo sức mạnh đoàn kết góp phần hoàn thành nhiệm vụ của địa phương. Muốn vậy, đại biểu HĐND phải luôn chịu khó nghiên cứu, học hỏi, nhất là học hỏi nhân dân để nâng cao trình độ hiểu biết trên các lĩnh vực, đủ sức để nghe, tiếp thu, phân tích những ý kiến của dân khi đứng trước dân cũng như khi tham gia phát biểu chính kiến trước nghị trường. Quyết liệt đeo bám, đôn đốc đến cùng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của nhân dân. Chỉ có như vậy đại biểu mới góp phần xây dựng nghị quyết của HĐND đúng pháp luật, hợp lòng dân và nghị quyết đi vào cuộc sống.

Chất vấn là một hình thức giám sát rất quan trọng, thực hiện những công việc do dân ủy quyền, là “đơn đặt hàng” của cử tri. Chất vấn không phải do đại biểu tự nghĩ ra mà do cử tri kiến nghị, gửi gắm cho đại biểu, từ đó đại biểu có trách nhiệm đưa vấn đề ra công khai, chứ không phải từ nhận thức chủ quan của đại biểu. Muốn thực hiện được điều này, đại biểu phải vượt qua những toan tính kiểu “dĩ hòa vi quý”, phải có bản lĩnh, dũng khí thể hiện đầy đủ quyền năng của người đại biểu mà nhân dân ủy quyền, pháp luật quy định. Hoạt động chất vấn được nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi và bày tỏ nhiều cảm xúc, sự tín nhiệm, đánh giá, chấm điểm… các bên thực hiện hoạt động này tại nghị trường. Người chất vấn đeo bám vấn đề chất vấn cho đến khi có kết quả cuối cùng đó cũng chính là ý chí nguyện vọng của cử tri.

Việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016. Chính vì vậy cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt, thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, dân chủ đúng quy trình trong công tác bầu cử. Tập trung lãnh đạo tốt công tác chuẩn bị nhân sự theo quy trình là khâu then chốt trong công tác bầu cử. Theo đó, phải làm tốt công tác hiệp thương ba vòng theo quy định để lựa chọn, lập danh sách những ứng cử viên ưu tú nhất. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú và nơi làm việc, đồng thời tạo điều kiện để nhân dân xem xét, đối thoại với ứng cử viên trong vận động tranh cử để cử tri xem xét, lựa chọn bầu đại biểu. Các ứng cử viên đưa ra bầu phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai tại địa phương nơi cư trú, tại các cơ quan để nhân dân biết giám sát, lựa chọn và có phản hồi kịp thời, giúp cho các tổ chức chọn người xứng đáng, đúng với tiêu chuẩn quy định. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Đảng không giới thiệu, đưa vào danh sách ứng cử  người có một trong các khuyết điểm: biểu hiện cơ hội chính trị; bản lĩnh chính trị không vững vàng, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; người thiếu chính kiến, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải.

Làm tốt những công việc trên sẽ góp phần để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thắng lợi và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Đinh Duy Vượt

Có thể bạn quan tâm