(GLO)- Sau 2 ngày xét xử, sáng 7-5, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Tường Vân (SN 1978, trú tại phường Yên Đổ, TP. Pleiku) 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ, ngày 5-4-2010, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can đối với Lê Thị Tường Vân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 11-5-2010, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh tiến hành bắt tạm giam đối tượng này. Tại phiên tòa sơ thẩm đầu tiên do TAND tỉnh mở vào ngày 15-5-2012, Vân bị tuyên phạt 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hơn 3 tháng sau, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ để điều tra lại. Ngày 13-6-2013, TAND tỉnh tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ để điều tra làm rõ một số vấn đề chưa rõ ràng. Đến ngày 31-12-2013, TAND tỉnh một lần nữa mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Vân 19 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời buộc bị cáo phải trả toàn bộ số tiền còn nợ cho các bị hại cũng như hủy hợp đồng cho tặng 2 căn nhà tại địa chỉ 103 Phan Đình Phùng và 104/1 Tăng Bạt Hổ, phong tỏa căn nhà số 335C Phan Đình Phùng (cùng ở phường Yên Đổ, TP. Pleiku) để bảo đảm thi hành án.
Bị cáo Lê Thị Tường Vân tại phiên tòa. Ảnh: V.N |
Tưởng chừng vụ án đã được khép lại thì đến ngày 29-7-2014, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tiếp tục tuyên hủy bản án sơ thẩm lần 2 của TAND tỉnh Gia Lai để điều tra bổ sung. Đến ngày 24-3-2015, Vân được cho tại ngoại nhưng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Vụ việc càng phức tạp khi ngày 12-8-2015, ông Trần Công Hùng-Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã ký quyết định đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Vân. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh và TAND tỉnh đã có những kiến nghị liên quan đến việc đình chỉ vụ án này. Do đó, đến tháng 8-2017, VKSND tỉnh ra quyết định hủy các quyết định đình chỉ vụ án mà Phó Viện trưởng VKSND tỉnh đã ký, đồng thời khôi phục điều tra vụ án. Sau gần 2 năm, đến ngày 17-5-2019, VKSND tỉnh có Cáo trạng số 36/CT-VKS-P3 để tiếp tục truy tố Vân ra trước TAND tỉnh.
Theo Cáo trạng số 36, ngày 6-11-2009, Vân đã lợi dụng sự quen biết, tin tưởng của 3 người trên địa bàn TP. Pleiku là các bà: Nguyễn Thị Phượng Tường (SN 1968, trú tại phường Yên Đổ), Huỳnh Thị Thúy Vân (SN 1966, trú tại phường Hội Thương), Hồ Thị Xuân Dung (SN 1977, trú tại phường Tây Sơn) để vay tổng cộng 15,25 tỷ đồng và hẹn 4 ngày sẽ trả. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, Vân tuyên bố vỡ nợ không có khả năng chi trả, trong khi toàn bộ tài sản đứng tên vợ chồng Vân gồm 2 căn nhà, 1 xe ô tô, 1 xe máy nhãn hiệu Honda SH đã được chuyển cho người thân trong gia đình Vân dưới hình thức làm hợp đồng tặng nhà, mua bán xe.
Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Vân 13 năm tù giam. Ảnh: V.N |
Tham gia bào chữa cho bị cáo Lê Thị Tường Vân trong phiên tòa ngày 6-5 có luật sư Trần Quang Nhật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) và luật sư Nguyễn Danh Hưng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). Cả 2 luật sư đều cho rằng, các cơ quan tố tụng của tỉnh Gia Lai đã “hình sự hóa” một vụ án dân sự. Luật sư Nhật cho biết: “Thân chủ của tôi có vay, có trả một phần và có gặp nhau để giải quyết nợ chứ không phải có ý thức chiếm đoạt nên đây chỉ là một mối quan hệ dân sự. Trong quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng đã không khách quan, chỉ điều tra theo chiều hướng buộc tội, chỉ căn cứ vào lời khai của các bị hại mà không xem xét đến các chứng cứ bên phía bị cáo Vân cung cấp, có dấu hiệu mớm cung cho các bị hại cũng như một số người liên quan trong quá trình thực nghiệm điều tra để chỉnh sửa lời khai, các mốc thời gian nhận tiền”. Cũng theo các luật sư này, bị cáo Vân không mượn số tiền 15,25 tỷ đồng chỉ trong ngày 6-11-2009 mà là tiền cộng dồn của nhiều lần vay trước đó.
Tại phiên tòa, bị cáo Vân đưa ra các chứng cứ chứng minh toàn bộ số tiền 15,25 tỷ đồng mượn của 3 bị hại đã được Vân mang cho chị Nguyễn Thị Thùy Dương (trú tại TP. Pleiku) mượn lại và bị chị này chiếm đoạt số tiền 25,12 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài liệu này không thể hiện nội dung họ tên người vay và cho vay, không thể hiện đầy đủ nội dung chữ số, chữ viết thể hiện số tiền vay, không có đơn vị tiền…; đặc biệt, không có chữ ký xác nhận của chị Dương cũng như bị cáo Vân. Luật sư Hưng cho rằng: “Các giấy tờ tuy không có chữ ký nhưng có chữ viết của chị Dương, 2 bên đã quy ước về số tiền vay mượn lẫn nhau. Tại sao đại diện VKSND không tìm xem số tiền mà bị cáo Vân mượn đã để ở đâu, tại sao lại “loại” chị Dương ra từ đầu rồi không khởi tố? Đến ngày 8-8-2017, chính Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố ban đầu, vậy tại sao không tiếp tục điều tra để truy cứu trách nhiệm của chị Dương?”.
Tranh luận với các luật sư, kiểm sát viên Trần Văn Tấn-đại diện VKSND tỉnh thực hiện quyền công tố tại phiên tòa khẳng định: Không có việc “hình sự hóa” vụ án như các luật sư nói mà tất cả dựa theo bằng chứng được pháp luật công nhận. “Bị cáo đã vay mượn tiền của người khác, có ghi ngày hẹn trả nợ rõ ràng nhưng không thực hiện được mà lại tẩu tán tài sản bằng cách dịch chuyển hàng loạt tài sản đứng tên mình để rồi nói không có khả năng trả nợ. Đó là dấu hiệu thể hiện sự gian dối để chiếm đoạt tài sản. Còn việc các luật sư nói rằng có sự mớm cung, sắp đặt lời khai… thì rõ ràng đây là việc vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi hoan nghênh các luật sư kiến nghị xử lý nghiêm minh chứ không phải cứ nói là được. Việc cộng dồn tiền qua nhiều lần vay chứ không phải 1 lần đã được chúng tôi chứng minh là không có căn cứ, thiếu thực tế. Các giấy tờ vay mượn giữa bị cáo Vân và chị Dương, chúng tôi không bác bỏ việc làm ăn vay mượn giữa 2 người, nhưng các giấy tờ đó không chứng minh được chị Dương đang nợ bị cáo 25,12 tỷ đồng như cáo buộc. Cơ quan tố tụng điều tra theo chứng cứ nên không đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, đã hướng dẫn bị cáo khởi kiện vụ án dân sự ra TAND”-Kiểm sát viên Trần Văn Tấn nhấn mạnh.
LÊ VĂN NGỌC