Trong khi nông dân vùng lúa Phú Thiện, Gia Lai đang luẩn quẩn trong vòng xoáy “được mùa, mất giá” thì người trồng cà phê ở Đak Đoa, Gia Lai phải gồng mình chống chịu với nắng hạn. Thế mới biết, công việc và cuộc sống nhà nông vất vả biết nhường nào.
“Nếu không bán chịu thì chở lúa về”
Gia đình anh Trần Quang Ngạn (khu phố 5, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện) đang hết sức lo lắng vì toàn bộ số lúa vừa thu hoạch xong nhưng vẫn còn nằm tại kho. Hiện giá lúa dao động trong khoảng 3.800-4.000 đồng/kg. Theo anh Ngạn, với giá lúa như hiện nay xem như cả gia đình anh đã làm không công trong cả vụ Đông Xuân vừa qua. Đã thế, nếu muốn bán, anh cũng không thể lấy tiền ngay được vì hầu hết các đại lý thu mua đều viện lý do chưa có tiền thanh toán liền, phải chờ đến khi nào họ tiêu thụ được sản phẩm thì mới có tiền trả cho bà con.
Nông dân Phú Thiện thu hoạch lúa. Ảnh: Đức Phương |
Trong khi phần lớn nông dân phải vay ngân hàng với lãi suất 2%/tháng để đầu tư vào vụ vừa rồi và vì thời gian đáo hạn cũng cận kề nên chuyện tiếp tục chạy vạy vay mượn để tạm trả nợ và tái đầu tư khiến nhiều người cho rằng công sức của họ đang bị “đổ ra đồng trống”.
Vụ Đông Xuân vừa qua, chỉ riêng thị trấn Phú Thiện, nông dân đã gieo trồng được 365 ha lúa nước với năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha. Nhưng trong tình hình giá cả xuống thấp, theo ước tính của cơ quan chức năng hiện có gần 60% sản lượng lúa vẫn đang ứ đọng trong khi đó bà con đang rất cần vốn để tái đầu tư cho vụ mới.
Hiện hàng ngàn hộ nông dân tại vựa lúa lớn nhất tỉnh đang thấp thỏm lo lắng khi mặt hàng nông sản này chưa tìm được đầu ra hợp lý.
Cà phê oằn mình trong nắng hạn
Xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) có khoảng 1.400 hộ trồng cà phê với tổng diện tích khoảng gần 1.000 ha. Cùng với những lo lắng về các khoản nợ để lại từ vụ trước, thì nay người dân Nam Yang lại oằn mình chống chọi với nắng hạn kéo dài.
Hàng trăm máy bơm phải nằm chờ vì nguồn nước đã cạn kiệt. Ảnh: Thu Nga |
Bà Nguyễn Thị Thơ ở thôn 2, than thở: “Gia đình tôi có 1,5 ha cà phê. Vụ vừa rồi do mất mùa nên chỉ thu hoạch được 2 tấn cà phê nhân. Mới đây, tôi phải đi vay 15 triệu đồng để mua phân bón và dầu. Không biết trời còn nắng hạn đến bao lâu nữa! Cứ nắng thế này thì năm tới lại tiếp tục thất thu…”. Cũng ở thôn 2, anh Nguyễn Mua có gần 3 ha cà phê. Trung bình mỗi đợt tưới, anh phải chi phí hết khoảng 4 triệu đồng tiền dầu, chưa tính chi phí ăn uống và công tưới. Đến nay, anh Mua đã vét đến hạt cà phê cuối cùng để chi phí cho đợt tưới thứ 6 và còn cần đến 3 đợt bón phân cho cây trong mùa mưa với tổng chi phí khoảng 50 triệu đồng.
Nắng hạn kéo dài trên địa bàn xã này đã làm cho nguồn nước tưới trở nên cạn kiệt. Nhiều vườn cà phê đã co quắp lá do không có nước tưới. Anh Nguyễn Văn Thoại ở thôn 1 cho hay: “Từ cuối tháng 4 đến nay, nguồn nước tưới ở một số vùng đã hoàn toàn bị cạn kiệt. Máy đầu trên tưới thì máy phía dưới phải nằm chờ. Mình định ngày mai chở máy đi tưới nhưng không biết là có đủ nước tưới hay không nữa”.
Ngọc Hà- Thu Nga