Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Lửa Trung Đông có đang hạ nhiệt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyển biến tại Trung Đông theo hướng có lợi cho Israel được cho là cơ sở để Tel Aviv tạo thế đàm phán ngừng bắn ở Gaza.

Israel và Hezbollah đã đạt lệnh ngừng bắn hồi tháng 11. Tình hình tại Syria cũng được xem như kết thúc đối đầu quân sự và chuyển sang xây dựng hệ thống chính trị mới. Lúc này, sự chú ý đổ dồn về nỗ lực của các nhà ngoại giao nhằm tận dụng những động lực để thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza. Kế hoạch này đang cho thấy những dấu hiệu khả quan.

Xe tăng Israel xuất hiện gần biên giới Gaza ngày 11.12

Hamas nhượng bộ?

Báo The Wall Street Journal hôm qua đưa tin lực lượng Hamas đã nhượng bộ 2 yêu cầu chính của Israel nhằm đạt lệnh ngừng bắn, bao gồm sẽ để cho quân đội Israel đồn trú tạm thời ở Gaza, đồng thời đưa ra danh sách các con tin sẽ trả tự do, nếu như Israel cam kết tuân thủ điều khoản không tấn công.

Vấn đề hiện diện quân sự của Israel từ lâu đã là nút thắt khiến những cuộc đàm phán trước đây đổ vỡ. Sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gây tổn thất địa chính trị không nhỏ cho các đồng minh của Hamas như Iran hay Hezbollah. Đề xuất mới nhất do các nhà đàm phán Ai Cập đưa ra, được các nước trung gian như Mỹ và Qatar ủng hộ, dựa trên động lực từ lệnh ngừng bắn Israel - Hezbollah hồi tháng 11.

Khu tị nạn Nuseirat, miền trung Gaza bị hư hại ngày 11.12

Trong ngày 11.12, ông Israel Katz, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin, nêu rằng "hiện có một cơ hội để đạt thỏa thuận mới". Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm qua cũng có chuyến công du Israel, sau đó đến Ai Cập và Qatar, với kỳ vọng có thể chốt được thỏa thuận ngừng bắn trước khi Tổng thống Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ. Đại hội đồng LHQ hôm 11.12 đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn và thả con tin không điều kiện tại Gaza. Tuy nhiên, động thái này nhiều khả năng chỉ mang tính biểu tượng như những lần trước đây, khi nghị quyết tương tự đã bị Mỹ phản đối tại Hội đồng Bảo an tháng trước. Trước khi động thái ngoại giao có tiến triển rõ ràng, bom đạn vẫn rơi tại Gaza. Giới chức y tế Gaza cáo buộc các cuộc không kích của Israel hôm qua đã khiến ít nhất 35 người thiệt mạng.

Tận dụng đòn bẩy Syria

Việc mở rộng ảnh hưởng chính trị được xem như một yếu tố cơ bản để đạt lợi thế khi ngồi vào bàn đàm phán, và Israel được cho là đã tận dụng khoảng trống sau khi chính quyền Assad ở Syria sụp đổ. Đài Al Jazeera hôm qua đưa tin quân đội Israel trong tuần này đã không kích gần 500 mục tiêu tại Syria nhằm phá hủy hạ tầng quân sự mà theo Israel nói là không để vũ khí rơi vào tay lực lượng đối lập có thể đe dọa Israel. Động thái quân sự này của Israel đã bị nhiều quốc gia lên án, trong đó có Nga, tuy nhiên Mỹ vẫn đang ủng hộ Tel Aviv.

Theo Reuters hôm qua, đây là thời điểm thuận lợi về mặt chính trị cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để chốt hạ lệnh ngừng bắn. Hôm 9.12, Thủ tướng Israel nêu rằng diễn biến tại Syria đang khiến Hamas càng bị cô lập và có thể cân nhắc nhượng bộ. Một quan chức người Palestine thạo tin về diễn biến đàm phán nêu rằng đang có "cơn sốt thương thảo" khi các bên liên tục đề xuất ý tưởng. Đối với ông Netanyahu, việc yêu cầu Hamas nhượng bộ lúc này sẽ thuận tiện hơn, khi vị thế của Israel dâng cao, trong khi Hezbollah hay Syria hiện không còn gây ra nhiều mối đe dọa đáng kể.

Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 11.12 cho biết đại diện cấp cao quân đội Mỹ đã đến thủ đô Beirut (Li Băng) để giám sát đợt rút quân đầu tiên của lực lượng Israel, dựa theo khuôn khổ lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực từ ngày 27.11. Trên mạng xã hội X, CENTCOM cho biết quân đội Israel rút quân khỏi thị trấn al-Khiam, miền nam Li Băng và lực lượng vũ trang Li Băng sẽ tiếp quản nơi này. Kể từ sau lệnh ngừng bắn, Israel - Hezbollah nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận, song đến nay lệnh ngừng bắn chưa bị phá vỡ.

Theo Bảo Hoàng (TNO)

Có thể bạn quan tâm