Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng
Cụ thể, các dự án được đề xuất bổ sung, gồm: Luật Phá sản (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Luật sư (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Làm rõ thêm về dự án Luật Báo chí, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, với 4 chính sách lớn được ban hành.
Trong đó, Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội nhà báo Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp người làm báo trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu; quy định một số nội dung về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí và điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhất trí với nội dung các chính sách được nêu, đồng thời đề nghị nghiên cứu, làm rõ mối quan hệ giữa “tạp chí khoa học” với “tạp chí in”, “tạp chí điện tử”.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý làm rõ về hình thức “xử lý vi phạm” đối với hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam và nghĩa vụ tham gia Hội Nhà báo Việt Nam đối với “người làm báo”.
Ngoài ra, theo ông Tùng, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, làm rõ mô hình tổ hợp báo chí truyền thông bảo đảm phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập; hình thức, điều kiện hoạt động của báo chí trên không gian mạng; chính sách quản lý đối với “trang thông tin điện tử tổng hợp”…
Đổi mới tư duy lập pháp
Nhất trí với các chính sách được Chính phủ nêu trong tờ trình, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát quan điểm chỉ đạo về đổi mới tư duy lập pháp, nghiên cứu quy định trong luật những vấn đề khung, có tính nguyên tắc về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về Luật Phá sản, đại diện Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, việc sửa đổi nhằm xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; cùng với đó, xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản để khắc phục vướng mắc, bất cập và phù hợp với thông lệ quốc tế
Thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với 5 nhóm chính sách lớn trong tờ trình. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát 26 vấn đề bất cập, vướng mắc liên quan. Đặc biệt, ông Tùng lưu ý, chỉ quy định trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn cho thấy phù hợp, ổn định, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội...
Không vì một nhóm lợi ích nào
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, nhiều vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn và làm có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển. “Không vì một nhóm lợi ích nào, cũng không vì lợi ích cục bộ trong sửa luật, làm luật mới”, ông Trần Thanh Mẫn nêu.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nếu chỉ sửa một số vướng mắc mang tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay mới trình và thông qua một kỳ họp, còn nếu sửa luật toàn diện, phải đảm bảo trong hai kỳ, không thể sửa toàn diện mà chỉ trong một kỳ họp được.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung, trình các dự án luật, nghị quyết ra Quốc hội tại kỳ họp 2025, riêng với Luật Luật sư (sửa đổi) sẽ lùi lại sang năm 2026.
Theo Luân Dũng (TPO)