Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Thị Ái Liên, nguyên luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp đã vay tiền của nhiều người nói để đáo nợ ngân hàng, cho vay lại... nhưng thực chất tiêu xài cá nhân.
Bị cáo Phạm Thị Ái Liên tại tòa-ẢNH: SONG MAI |
Ngày 28.12, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm bị cáo Phạm Thị Ái Liên (46 tuổi, ngụ Đồng Tháp, nguyên luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đồng Tháp) về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, xét xử sơ thẩm lần 2 (5.2020), TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt bị cáo Liên 24 năm tù về hai tội danh trên.
Sau phiên xử sơ thẩm, bị cáo Liên đã kháng cáo kêu oan; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo.
Phát biểu quan điểm luận tội, Đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo của bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, tuyên y án sơ thẩm.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, trong quá trình hành nghề luật sư, Liên lợi dụng mối quan hệ nghề nghiệp để làm quen với một số người, trong đó có người mà Liên từng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ kiện dân sự. Sau đó, Liên hỏi vay tiền của họ với lãi suất 3% - 12%/tháng để cho vay lại hoặc đáo hạn ngân hàng nhưng thực chất là tiêu xài cá nhân.
Theo bản án sơ thẩm, Liên đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 2,7 tỉ đồng. Cụ thể, Liên đã vay của anh T.V.P số tiền 2 tỉ đồng, vay của chị C.T.L.T 200 triệu đồng.
Năm 2012, chị D.T.L ủy quyền cho Liên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ kiện dân sự. Kết quả xét xử chị D.T.L thắng kiện được số tiền 500 triệu đồng. Vì muốn có tiền chi tiêu, Liên đã giả tạo hợp đồng ủy quyền của chị D.T.L tại Chi cục thi hành án dân sự TP.Cao Lãnh để nhằm chiếm đoạt số tiền trên nhưng chị D.T.L kịp thời phát hiện.
Đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Liên đã vay tiền của bà T.T.K.H, thân chủ của Liên. Từ ngày 25.12.2012 đến 8.4.2013 Liên đã vay của bà T.T.K.H tổng cộng 5 lần với số tiền 2,6 tỉ đồng.
Khi không còn khả năng trả nợ, nhưng để chứng minh bản thân không mất khả năng thanh toán, Liên đã nhờ bà T.T.K.H kí vào giấy xác nhận ghi rõ Liên đã trả xong số tiền 2,6 tỉ đồng và bà T.T.K.H còn giữ 2,2 tỉ đồng mà Liên đưa hùn vốn.
Đến sáng 4.6.2013 khi cơ quan điều tra mời bà T.T.K.H lên yêu cầu đưa số tiền hùn vốn của Liên mà bà đang giữ để trả nợ cho các chủ nợ khác, bà T.T.K.H trình bày giấy xác nhận là giả tạo, nhằm để Liên đối phó với cơ quan điều tra. Còn Liên khai không còn nợ và bà T.T.K.H đang giữ phần hùn vốn của mình.
Cũng trong thời gian này, Liên được bà N.T.P.N ủy quyền đến Chi cục thi hành án dân sự TP.Cao Lãnh nhận tiền thi hành án 121 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền xong Liên không đưa cho bà N.T.P.N mà tiêu xài cá nhân. Đến khi bị phát hiện, Liên đưa lại cho bà N.T.P.N 50 triệu đồng và chiếm đoạt 71 triệu đồng.
Tổng cộng, theo cáo trạng, Liên đã chiếm đoạt của các bị hại số tiền hơn 4,8 tỉ đồng.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX tiến hành nghị án và sẽ tuyên án phúc thẩm vụ "luật sư lừa đảo" vào sáng thứ năm (31.12).
Theo SONG MAI (thanhnien)