Mái tranh nghèo chắt chữ nuôi thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở thôn Thủy Phú- xã Ia Le (huyện Chư Sê- Gia Lai) không ai không biết đến gia đình ông Nguyễn Tịch và bà Lâm Thị Liên. Bởi một lẽ, tuy không giàu có về tiền bạc nhưng vợ chồng ông luôn chăm lo cho các con ăn học thành tài.

Quyết tâm vượt khó

Lần theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về nhà ông Nguyễn Tịch. Ít ai có thể ngờ rằng, ở một xóm dân cư lao động lại có một gia đình tập trung đến 8 giáo viên, bác sĩ, kỹ sư… Trong căn nhà gỗ thô sơ, thứ đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là dãy bằng khen, giấy khen treo kín tường với các danh hiệu: Học sinh giỏi, gia đình hiếu học, gia đình văn hóa, người cao tuổi làm kinh tế giỏi… của ông và của các con. Nhìn những tấm giấy khen đã ố màu, chúng tôi như nhìn thấy cả một chặng đường dài cơ cực của ông bà. Đời mình cơ cực vì ít chữ thì đời con phải tươi sáng, vợ chồng ông Tịch nghĩ vậy nên làm đủ nghề như: Xay xát lúa, sản xuất nước đá, trồng tiêu… dành hết tiền bạc cho các con ăn học thành tài.

Vợ chồng ông Nguyễn Tịch. Ảnh: Vy Thảo

30 năm trước, anh nông dân Nguyễn Tịch dẫn vợ và 5 người con từ miền quê nghèo Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) vào Gia Lai làm ăn. Là một gia đình thuộc hàng khá giả trong xã ở thời buổi đó, nhưng để nuôi 5 đứa con ăn học và 3 đứa con lần lượt ra đời, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn. Chật vật trong căn nhà gỗ vách ván, mái lợp tôn, 10 con người lớn nhỏ nêm nhau cùng ăn, ngủ, làm việc và học hành. Đêm đêm, dưới ánh đèn dầu tù mù, nhìn 8 đứa nhỏ túm tụm học bài trên chiếc bàn gỗ ọp ẹp, ông bà không khỏi xót lòng. Những năm tháng khó khăn ấy, việc nuôi cả đàn con đang tuổi ăn tuổi học thực sự là một gánh nặng. Các con ngoài việc học hành phải phụ giúp cha mẹ những công việc thường ngày tạo thêm thu nhập. Khi quan niệm “Học chi nhiều, học nhiều bán chữ ai mua” đang còn đeo bám vào nhiều gia đình trong cái xóm lao động ấy, thì với ông Tịch: “Sinh con, nuôi con khôn lớn là trách nhiệm nhưng người làm cha mẹ phải lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn”.

Giai đoạn nuôi các con ăn học, không sao diễn tả hết những gian khó của vợ chồng ông. Ngày ngày, hai vợ chồng tất bật với ruộng nương, ông ra đồng khi trời chưa kịp sáng, bà đi ngủ lúc gà đã gáy canh ba. Rồi bà Liên ra bán hàng tạp hóa, gia đình có đồng ra đồng vào, tích cóp, tằn tiện ông bà sắm được chiếc máy xay xát. Cũng có giai đoạn gia đình ông làm nghề sản xuất nước đá. Rồi trồng 2 ha tiêu. Từ vườn tiêu, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng, đủ trang trải việc học cho các con. Nhớ lại những ngày đã qua, ông Tịch cảm động nói: “Tôi may mắn có được người vợ chịu thương chịu khó. Vừa chăm lo đàn con, vừa vất vả phụ tôi kiếm tiền. Vậy mà chưa bao giờ bà ấy than thở một lời”.

Gặt hái mùa vàng

Nhờ quyết tâm giữa cha mẹ và con cái mà nay, các con của ông Tịch và bà Liên hiện đã thành đạt. 8 người con (7 trai, 1 gái) lần lượt thành tài ra trường, có công ăn việc làm ổn định. Trong 8 người con, các anh: Nguyễn Tấn Hùng, Nguyễn Tấn Phương và Nguyễn Tấn Anh Đài đều theo đuổi sự nghiệp trồng người và đang dạy học trên chính quê hương. Không giống anh trai và các em của mình, người con trai thứ hai là Nguyễn Tấn Bi lại chọn nghề thầy thuốc. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Huế, Bi đã về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Chư Prông.

Nguyễn Tấn Tài, cậu con trai thứ ba là một kỹ sư điện, hiện đang công tác tại TP. Buôn Ma Thuột (Đak Lak). Lần lượt, Nguyễn Tấn Tây, Nguyễn Tấn Nguyên và cô con gái út Nguyễn Thị Cẩm Hằng hiện đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học. Trong tám người con của mình, ông bà kể về cậu con trai thứ năm Nguyễn Tấn Tây nhiều nhất.

Sau khi tốt nghiệp THPT trường huyện, Nguyễn Tấn Tây rời gia đình đi thi đại học nhưng ước nguyện không thành. Gia đình động viên Tây theo học trung cấp, Tây nhất định không chịu. Ngày đêm chong đèn miệt mài ôn luyện, cuối cùng em cũng thi đỗ đại học. Hiện nay Tây đang là sinh viên năm 4, ngành Hóa dầu, Trường Đại học Quy Nhơn. Ông Tịch tâm sự: “ Lúc đó, ở xã học sinh cứ học tới lớp 8 là rủ nhau bỏ học, vợ chồng tôi phải bán đi nhiều thứ để mua xe đạp cho các con theo học cấp II ở Phú Nhơn. Hết cấp II, lại phải ra thị trấn Chư Sê học cấp III. Biết chúng còn nhỏ mà phải sống xa nhà sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên tôi luôn động viên các con dìu dắt nhau cố gắng vượt qua. Có vất vả, khổ cực thì mới nên người”.

Mong muốn có được một gia tộc khuyến học, ông Tịch đã vạch ra một kế hoạch cụ thể: “Tôi sẽ bán tất cả ruộng vườn để lập quỹ khuyến học dòng họ. Lúc vợ chồng tôi không còn nữa, đó sẽ là phần thưởng động viên thành tích học tập của các cháu để chúng tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của gia đình”.

Vy Thảo

Có thể bạn quan tâm