Mang lại ánh sáng cho người mù nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khám mắt tại Khoa Mắt (Trung tâm Phòng- chống Bệnh xã hội). Ảnh: N.N
Hiện nay mù lòa là một vấn đề sức khỏe quan trọng được Tổ chức  Y tế Thế giới (WHO) và các nước quan tâm. Theo thống kê của WHO, thế giới hiện có khoảng 45 triệu người mù và 269 triệu người bị giảm thị lực do các bệnh mắt và tật khúc xạ, trong đó có tới 80% số trường hợp có thể phòng tránh được.
WHO khuyến cáo rằng nếu không có các hoạt động can thiệp, số người mù lòa có thể sẽ tăng lên đến 80 triệu người vào năm 2020. Để thế giới quan tâm và có các hoạt động ngăn chặn kịp thời, WHO đã chọn ngày thứ năm của tuần lễ thứ 2 trong tháng 10 hàng năm là Ngày Thị giác Thế giới. Năm 2010, Ngày Thị giác Thế giới có chủ đề “Khẩn trương hơn nữa nhằm đạt mục tiêu thị giác 2020”.
Tại Việt Nam ước tính hiện nay còn khoảng 380.800 người mù hai mắt do các nguyên nhân khác nhau, trong đó có tới 66% nguyên nhân mù lòa là do đục thủy tinh thể. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh này thường do thiếu hụt dinh dưỡng, năng lượng, do các gốc tự do, oxi hóa, tia tử ngoại, tiểu đường.
Tại Gia Lai, tuy chưa có số liệu thống kê mới nhất về số người mù trong toàn tỉnh nhưng hiện vẫn còn nhiều người mù chưa được khám, tập trung tại các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân gây mù lòa cao nhất tại tỉnh ta hiện nay vẫn là do đục thủy tinh thể. Chỉ tiêu đề ra hàng năm của Khoa Mắt (Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh) là phẫu thuật từ 350 ca đến 400 ca đục thủy tinh thể. Đặc biệt trong chiến dịch giải phóng mù lòa năm 2004-2005, toàn tỉnh đã có gần 2.000 người mù do đục thủy tinh thể tìm lại được ánh sáng sau phẫu thuật.
Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, và sự hỗ trợ của Bệnh viện Mắt Trung ương, tại tỉnh ta công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân luôn được đề cao, trong đó có vấn đề chăm sóc sức khỏe về mắt. Khoa Mắt (Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh) được giao trọng trách này. Nhiều năm qua, Khoa luôn hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Từ đầu năm đến nay Khoa đã triển khai chăm sóc và phẫu thuật miễn phí về mắt cho người nghèo tại 12 huyện, thị xã và tại Trung tâm. Trong đó đã tiến hành phẫu thuật được 273 ca (có 162 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể) mang lại ánh sáng cho người mù nghèo. Hiện Trung tâm đang triển khai đợt phẫu thuật mắt miễn phí hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới cho người mù nghèo do đục thủy tinh thể. Thời gian triển khai từ đây cho đến cuối năm. Tất cả người mù nghèo do đục thủy tinh thể có thể đến Trung tâm để được tư vấn và phẫu thuật miễn phí và được chăm sóc sức khỏe trước, trong và sau khi phẫu thuật. Đối với mù do đục thủy tinh thể thì khả năng tìm lại được ánh sáng là rất cao, hơn 90% người thay thủy tinh thể có cải thiện thị lực.
Hầu hết những người mù nghèo do đục thủy tinh thể tại tỉnh ta tập trung nhiều ở vùng sâu, vùng xa do nhiều nguyên nhân khác nhau mà họ chưa tìm đến các cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe và nhiều người không biết rằng họ có thể tìm lại được ánh sáng nếu được phẫu thuật. Vì vậy để công tác này triển khai đạt kết quả cao, bác sĩ Vũ Công Cử- Trưởng khoa Mắt (Trung tâm Phòng- chống Bệnh xã hội) nhấn mạnh: “Cần có sự phối hợp đồng bộ của các địa phương trong vấn đề tuyên truyền đến với người dân; vận động và đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế, hoặc đến Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội để được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí. Trên thực tế có nhiều đợt triển khai phẫu thuật tại một số địa phương dù đã thông báo trước nhưng rất ít bệnh nhân đến mổ. Chính vì vậy, mỗi địa phương nên có trách nhiệm hơn và phối hợp chặt chẽ cùng ngành Y tế góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân và mang lại ánh sáng cho người mù nghèo”. 
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm