Phóng sự - Ký sự

Mảnh đất nuôi tôi thành… nhà báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
.
(GLO)- Đến nay, vừa tròn 20 năm, kể từ ngày tôi tạm biệt đất Gia Lai lên đường nhận nhiệm vụ ở địa phương khác, trong đó có 13 năm ở Kon Tum và 7 năm ở Hà Nội. Dù ở nơi đâu, tôi vẫn làm nghề báo và nhận mình là người Gia Lai.

Tháng 7-1977, tôi từ Đội Công trình Ban Kinh tế mới tỉnh Hà Nam Ninh đóng tại huyện Chư Prông chuyển về làm phóng viên Báo Gia Lai-Kon Tum. Ngay từ đầu, tôi đã được các anh trong Ban Biên tập tận tình giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ. Anh Trần Liễm- Thư ký Tòa soạn, Bí thư chi bộ, là người nhận tôi về ân cần nói với tôi: “Người làm báo chỉ có sự hiểu biết thôi chưa đủ mà rất cần có niềm đam mê.

Ông Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khai trương Báo Gia Lai điện tử.
Ông Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khai trương Báo Gia Lai điện tử.
Đam mê, nhiệt tình nhưng phải thận trọng. Có thận trọng mới viết đúng, viết hay và tránh được sai sót”. Đúng là tôi có niềm đam mê. Trái tim tôi như có lửa. Tôi làm báo, trong người có chút ít phẩm chất nghệ sĩ, thường vừa viết tin, bài phản ánh, vừa làm thơ, viết ký, thậm chí viết cả truyện ngắn. Hồi ấy, Gia Lai-Kon Tum còn bạt ngàn rừng. Ra khỏi thị xã, thị trấn là gặp rừng, gặp non xanh, nước biếc, gặp buôn làng của đồng bào các dân tộc, gặp cảnh sinh hoạt của đồng bào, gặp tất cả những hình ảnh mà trước kia tôi đã từng đọc trong trường ca, tiểu thuyết văn học…

Bây giờ ở Hà Nội hay bất kỳ đâu trong nước, nếu tôi kể mình đã gặp, đã nói chuyện với Anh hùng Núp, họa sĩ Xu Man, đồng chí Võ Chí Công hay là một nhân vật nổi tiếng nào đó, vẫn có người cho tôi là… bịa, nhưng đó lại là chuyện thật trăm phần trăm. Thế mới tự hào! Không tự hào sao được khi tôi, với cái máy ảnh Canon cũ kỹ, cây bút bơm mực, quyển số, tập giấy viết trong ba lô, tôi đi khắp nơi, khi thì ở nông trường cao su, khi thì vào buôn làng, khi lang thang trong rừng sâu, vừa đi vừa ghi chép, vừa viết.

Tôi có thói quen viết ngay tại chỗ, viết một lúc hai bài, khi thấy bài này chưa tìm được ý hay liền chuyển sang viết bài khác, sau khi tìm ra ý mới thì quay lại viết tiếp. Tôi đi thả cửa, thả phanh, thoắt đi, thoắt về. Vừa mới ngồi họp trong cơ quan nghe thủ trưởng nhận xét, xây dựng kế hoạch, nhận kế hoạch tuyên truyền, thoắt cái đã phóng xe đạp lên đèo, xuống dốc theo các con đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường ngang, ngõ tắt, áo quần lấm bụi, mồ hôi nhễ nhại, thôn thôn thế thế, hỏi han, ghi chép, nói cười, đọc thơ, hoa chân, múa tay, chuyện trò không ngớt. Mỗi khi đi công tác, tôi thường mang theo một túi bắp rang và ít nhất là 20 chiếc bánh mì. Bắp rang thì vừa đi vừa ăn. Còn bánh mì thì tôi dành để ăn góp. Vào buôn làng, gặp bữa ăn nhà dân, tôi liền mang bánh mì vào góp ăn chung. Bánh mì là món ngon nên từ già làng đến trẻ em đều thích. Vào làng, gặp ai tôi cũng thích, cũng mê.

Một góc thành phố Pleiku.
Một góc thành phố Pleiku.
Thích nhất, mê nhất là các cô gái đi cõng nước, gùi bắp hay ngồi bên khung cửi dệt vải. Tôi thường nghe các già làng hát kể khan, ghi chép lại rồi viết thành bài đăng báo. Có nhiều đêm, trong ánh lửa bập bùng, tôi ngồi cùng bà con kể chuyện về Đảng, về Bác Hồ, về những công việc mà chính quyền đang làm để nâng cao đời sống cho nhân dân. Rồi tôi làm thơ đọc cho bà con nghe. Tháng 8-1978, tôi được cơ quan cử tham gia đoàn công tác về huyện Chư Prông làm nhiệm vụ vận động quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng, đấu tranh chống địch xâm nhập và giải quyết vấn đề FULRO. Hôm ấy là ngày 17-8, buổi sáng họp, tôi cùng anh Huy-Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy được phân công về xã Ia Lâu. Anh Huy khoác ba lô đi trước. Tôi khoác ba lô đi sau. Vừa đi vừa nói chuyện. Hôm ấy, tôi mang theo khẩu súng K54 chứa một băng đạn. Khẩu súng này là của anh Đỗ Quốc Phòng- bộ đội chuyển ngành, Trưởng phòng Hành chính Báo Gia Lai-Kon Tum cho tôi mượn.

Đi bộ khoảng 5 giờ đồng hồ, qua đèo, qua dốc, đường trơn, dốc cao, người tôi thấm mệt, có lúc rã rời, chân muốn khuỵu xuống. Hai bên đường đi, rừng cây rậm rạp, tiếng chim rừng khoan nhặt, véo von hòa tiếng gió rừng, tiếng thác đổ âm vang, u tịch. Vào khoảng 7 giờ tối, mưa tạnh, trăng suông, vừa đến chân dốc thì anh Huy lên cơn sốt, bảo tôi nghỉ lại. Hai anh em vào một chòi rẫy của dân. Tôi đưa anh Huy lên chòi rồi mở ba lô lấy mền đắp cho anh. Người anh nóng hầm hập. Anh Huy nắm tay tôi run rẩy: “Em à, chỗ này, cách đây mười ngày, bọn Pôn Pốt phục kích bắn chết người đó. Em phải cẩn thận”. Tôi để anh Huy nằm đó, rồi cầm khẩu K54 dò dẫm lên dốc, vừa đi vừa thận trọng quan sát. Lên gần đỉnh dốc, tôi nhìn thấy một bóng người lom khom bên đường. Tôi đoán rằng đó là một tên lính Pôn Pốt đang phục kích, liền nấp sau gốc cây, chĩa súng về bóng người đó. Tôi định bụng hô ba tiếng: “Một, hai, ba”, nếu sau ba tiếng hô mà người đó không bỏ đi sẽ bắn.

Nhưng vừa hô: “Một”, lập tức có tiếng hổ gầm, rồi ào một cái, con hổ lao xuống vực sâu, tôi hốt hoảng lia ngay một băng đến nỗi hết cả đạn. Lúc ấy, phần hồn nát thần tính thế nào không rõ, tôi trượt chân, ngã lăn xuống chân dốc. Vừa lồm cồm ngồi dậy, tôi thấy ánh đèn pin, chưa nhận ra ai thì một người đã chộp lấy cổ tôi lôi lên và mấy họng súng chĩa vào người tôi. Hồi ấy, tôi chưa biết tiếng dân tộc thiểu số cho nên không biết họ nói gì mà tưởng lầm là tiếng Campuchia, tiếng của bọn Khmer đỏ. Họ tước luôn súng, trói quặt tay tôi về phía sau và đưa đi. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, tôi bỗng thấy phía trước mặt có một dãy nhà còn sáng ánh đèn, một lá cờ bay phần phật trên cột cao giữa sân. Hóa ra đó là trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ia Lâu.

Có tiếng người nói bằng tiếng phổ thông: “Ai đó?”. “Báo cáo đồng chí! Chúng tôi bắt được hai tên vượt biên. Một tên có súng”-một người giải tôi lên tiếng. Nghe nói vậy, mấy người trong nhà chạy ra. Một người nhìn thấy anh Huy đang nằm dưới đất liền kêu lên: “Thôi chết rồi, đây là anh Huy-Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy. Các cậu bắt nhầm người rồi. Còn đồng chí này là nhà báo. Họ đâu phải là người vượt biên?”. Tôi chỉ nghe được mấy câu như vậy rồi tự nhiên ngất lịm, không biết gì nữa. Đến khi tỉnh dậy tôi đã thấy mình đang nằm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở Pleiku.

Sau chuyến công tác nhớ đời đó, tôi cùng anh Đường Trung Tính, bộ đội chuyển ngành, được cơ quan cử đi học lớp đào tạo cán bộ báo chí các tỉnh phía Nam tại Trường Tuyên huấn Trung ương III TP. Hồ Chí Minh. Đây là lớp đào tạo chính quy, bài bản về nghiệp vụ báo chí đầu tiên kể từ sau ngày giải phóng miền Nam. Sau khi tốt nghiệp, trở lại cơ quan, tôi tiếp tục làm phóng viên. Thời kỳ này tôi là một phóng viên khá sung mãn với nhiều phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, ký sự đăng báo Gia Lai-Kon Tum, báo Nhân Dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Đến năm 1991, sau khi chia tách tỉnh, lên tỉnh mới, tôi được đề bạt Phó Tổng Biên tập Báo Kon Tum, năm 1993 là quyền Tổng Biên tập và năm 1994 được đề bạt Tổng Biên tập Báo Kon Tum cho đến tháng 6-2004 chuyển ra Hà Nội công tác ở Hội Nhà báo Việt Nam làm Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận và hiện nay là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Công tác Hội. Năm 2001, tôi được nhận giải C Giải Báo chí toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam với bài “Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên vững tin vào con đường cách mạng”. Ngoài hàng ngàn bài báo, tôi còn tập hợp và xuất bản 7 đầu sách. Năm 2006, tôi được kết nạp và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi có thể tự hào mà nói rằng nhờ có Báo Gia Lai-Kon Tum, quê hương Gia Lai-Kon Tum mà tôi đã trưởng thành.

Ở Hà Nội, tôi thường xuyên đọc báo Gia Lai. Tôi thấy báo mình càng ngày càng hay, càng hấp dẫn, sinh động. Báo tập hợp được đội ngũ cây bút khá đông đảo và chất lượng. Về tính thời sự cũng như tính văn hóa trên các trang báo, số báo đều hàm chứa một lượng chất xám cao, vừa nhanh nhạy, kịp thời, vừa mới mẻ, hấp dẫn. Tôi vẫn thấy ấm lòng vì có báo Gia Lai, có các bạn đồng nghiệp ở Gia Lai. Tôi chỉ có ước nguyện các bạn luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, sức khỏe trí tuệ ngày thêm dồi dào để Báo Gia Lai ngày thêm khởi sắc và có nhiều thành công hơn nữa.

Lê Văn Thiềng

Có thể bạn quan tâm