Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Mạnh mẽ với đô thị đa trung tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa bao giờ TP HCM quyết tâm xây dựng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đa cấp hoàn chỉnh như hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1528/QĐ-TTg nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó, TP HCM sẽ trở thành đô thị đa trung tâm, hướng tới phát triển trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.

Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhiều thành phố vệ tinh

Theo ngôn ngữ của quy hoạch không gian thì TP HCM đang chuyển từ đại đô thị sang một vùng đô thị đa trung tâm. Trước năm 2020, thành phố thật sự là một đại đô thị đơn tâm (Mega city).

Thành phố có diện tích 2.100 km2 nhưng chỉ có một trung tâm là 930 ha, bao gồm quận 1, quận 3 và một phần quận Bình Thạnh, quận 4. Nơi đây tập trung tất cả hoạt động quan trọng nhất của thành phố và có dấu hiệu quá tải. Nhận thấy sự phát triển tập trung quá mức này có thể dẫn đến những nguy cơ bất lợi, ngay từ những năm 2000, TP HCM đã có chủ trương phải thay đổi mô hình quy hoạch sang vùng đô thị, tức là trên một vùng chứa nhiều thành phố có quy mô, cấp độ khác nhau.

Theo đó, TP HCM trên diện tích 2.100 km2 sẽ có nhiều thành phố vệ tinh, nhiều trung tâm khác nhau, mỗi trung tâm này là một thực thể tương đối độc lập, cấu trúc như một thành phố hoàn chỉnh, có bộ máy quản lý riêng. Trong đó, phải kể đến 2 đô thị vệ tinh, gồm: Tây Bắc, có diện tích 10.000 ha bao gồm xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) và các xã Tân Phú Trung, Tân An Hội, Phước Hiệp, Thái Mỹ (huyện Củ Chi). Thành phố mới này cách trung tâm TP HCM khoảng 30 km, dự tính dân số vào khoảng 300.000. Đô thị cảng Hiệp Phước nằm trên địa bàn xã Hiệp Phước và xã Long Thới thuộc huyện Nhà Bè có diện tích quy hoạch là 3.912 ha với dân số dự kiến 250.000 người. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, 2 thành phố vệ tinh này không ra đời được. Đến năm 2003, đề án phát triển Thủ Thiêm được công bố với một kỳ vọng biến bán đảo với 657 ha này thành một khu đô thị hiện đại nhất Việt Nam vào thế kỷ XXI và nó sẽ đóng vai trò là một trung tâm mới giống như "phố Đông" của Thượng Hải - Trung Quốc. Tuy nhiên, do không kiểm soát tốt quá trình phát triển nên dự án này không còn đảm nhiệm là một trung tâm mới nữa.

Các doanh nghiệp tìm hiểu các giải pháp chuyển đổi số tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo khởi nghiệp

Các doanh nghiệp tìm hiểu các giải pháp chuyển đổi số tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo khởi nghiệp

Việc hình thành thành phố đa trung tâm được hiện thực hóa vào năm 2020, khi TP Thủ Đức chính thức được thành lập với diện tích tự nhiên là 211,56 km2 và quy mô dân số 1.013.795 người. TP Thủ Đức ra đời cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam có mô hình "thành phố trong thành phố". Theo dự kiến thì TP HCM có thể sẽ ra đời thêm 5 thành phố trực thuộc (Đông - Tây - Nam - Bắc và đô thị sinh thái biển Cần Giờ) vào sau năm 2030. Như thế, TP HCM sẽ chuyển từ một đại đô thị đơn tâm thành vùng đô thị đa tâm (urban region) như Metro Manila, Philippines; Seoul Metropolitan, Hàn Quốc; Jabotabek (đại đô thị Indonesia bao gồm Jakarta, Bogor, Tangerang, Bekasi).

Để hình thành và phát triển vùng đô thị TP HCM cũng như vùng đô thị Đông Nam Bộ, chính phủ quyết tâm đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường, cầu, cảng (hàng không, biển). Có thể nói chưa bao giờ quyết tâm xây dựng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đa cấp hoàn chỉnh lại mạnh mẽ như hiện nay. Đó được coi là động lực đầu tiên quan trọng nhất, bởi giao thông là huyết mạch cơ thể của đô thị.

Dịch vụ "thông minh hơn"

Năm 2023 và 2024 này, sự chuyển động của TP HCM chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn bởi một loạt dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật tạo ra đột phá làm thay đổi diện mạo và chất lượng sống của thành phố sẽ được thực hiện.

Đồng thời, với việc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, TP HCM phải triệt để tận dụng thành quả của công nghệ 4.0, sử dụng thành tựu của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ thông tin vào sản xuất và đời sống. Thành phố không thể dựa vào lực lượng lao động rẻ, phát triển công nghiệp theo chiều rộng mà phải tập trung toàn lực phát triển dịch vụ chất lượng cao (chiếm hơn 80% tỉ trọng cơ cấu kinh tế của thành phố), công nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao. Với năng lực của mình, TP HCM hoàn toàn đủ khả năng trở thành trung tâm y tế chất lượng cao, thu hút người dân trong và ngoài nước đến chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao thu hút sinh viên từ các nước trong khu vực đến học tập; trở thành trung tâm dịch vụ du lịch - nghỉ dưỡng chất lượng cao thu hút mỗi năm hàng chục triệu du khách quốc tế. Đồng thời, giảm phát triển các loại hình thiên về quy mô và số lượng, chỉ chấp nhận nhà đầu tư mới đạt được 6 tiêu chí: sử dụng mặt bằng không lớn; không sử dụng quá nhiều lao động, nhất là lao động phổ thông; sử dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; rác thải, khí phát thải, nước thải trong và sau quá trình sản xuất thấp; công nghệ, kỹ thuật sản xuất và cung cách quản lý mới được chuyển giao cho địa phương.

Sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM tìm hiểu về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trên Robot Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM tìm hiểu về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trên Robot Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP HCM nên đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xã hội số, được coi vừa là động lực, mục tiêu và nền tảng của phát triển. Cùng với công nghiệp, hệ thống dịch vụ buộc phải chuyển đổi sang "thông minh hơn". Xã hội số được sử dụng trong hành chính công, quản lý xã hội (gồm quản lý dân số, quản lý môi trường, trật tự xã hội, an toàn và an sinh xã hội).

Tinh thần "xã hội số" đã lan rộng từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến người dân. Người dân đã làm quen với các đặc tính của thành phố thông minh, thành phố sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2030, TP HCM là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Nền kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP HCM. Các ngành như giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng của xã hội số. Chuyển đổi số sẽ tham gia vào đến từng tế bào xã hội, như thế mới có được một xã hội phát triển mà không lạm dụng tài nguyên.

Thu hút các tập đoàn kinh tế quốc tế

TP HCM đang tích cực triển khai đưa tinh thần của Nghị quyết 98 vào đời sống nhằm thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nêu rõ "tầm nhìn đến năm 2045": TP HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP HCM và Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Có thể bạn quan tâm