(GLO)- Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, từ giữa tháng 4-2018 đến đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) toàn quốc sẽ mở 3 đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Trong đó, đợt 1 diễn ra từ ngày 16-4 đến 15-5; đợt 2 từ ngày 16-8 đến 15-9 và đợt 3 từ ngày 16-12-2018 đến 15-2-2019.
Nhìn vào kế hoạch trên có thể thấy, thời gian mở các đợt cao điểm đều trùng với dịp lễ, Tết. Đây là khoảng thời gian lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đường bộ tăng đột biến, đồng thời, mức độ sử dụng rượu bia của người dân cũng lớn hơn rất nhiều so với ngày thường. Đi kèm với đó, tai nạn giao thông trong dịp lễ, Tết cũng thường tăng vọt, trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội.
Ảnh internet |
Không chỉ dịp lễ, Tết, hiện nay, mức độ lạm dụng rượu bia trong ngày thường của người Việt cũng đã đến mức báo động. Điều nguy hiểm là hầu hết người dân sau khi uống rượu bia đều sử dụng phương tiện giao thông để đi lại. Đây là nguy cơ rất lớn dẫn đến tai nạn giao thông. Trong thực tế, rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia. Theo ông Khuất Việt Hùng-Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: “Hàng năm, chi phí cho việc khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia là rất lớn. Vì vậy, Chính phủ xác định tăng cường phòng-chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong giai đoạn hiện nay”.
Thực tế, thời gian qua, lực lượng CSGT cũng đã khá tích cực xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông. Cụ thể, năm 2016, CSGT cả nước đã xử lý 180.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 4,2% tổng số trường hợp vi phạm). Năm 2017, con số này là 159.000 trường hợp (chiếm 3,9%). Riêng tại Gia Lai, năm 2016, lực lượng CSGT đã xử lý 794 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm khoảng 0,01% số trường hợp vi phạm); năm 2017 xử lý 2.244 trường hợp (chiếm gần 0,03%).
Tuy nhiên, nhìn vào số trường hợp vi phạm nồng độ cồn/tổng số trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ bị xử lý thời gian qua, điều dễ nhận thấy là tỷ lệ này còn quá thấp và chưa phản ánh đúng mức độ vi phạm nồng độ cồn hiện nay ở nước ta nói chung và Gia Lai nói riêng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, trong đó có sự thiếu quyết liệt của lực lượng CSGT. Tại Gia Lai, những năm gần đây, lực lượng CSGT các huyện, thị xã, thành phố đều đã được trang bị máy đo nồng độ cồn. Thế nhưng, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn thì chưa được lực lượng này tiến hành thường xuyên mà chủ yếu thực hiện trong các đợt cao điểm hoặc thông qua việc phát hiện hành vi vi phạm khác trong quá trình tuần tra kiểm soát. Đây là lý do tại sao trên địa bàn tỉnh, số người sử dụng rượu bia hàng ngày rất lớn nhưng số bị xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông lại quá ít, kém rất xa tỷ lệ bình quân của cả nước.
Những năm qua, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn đã liên tục được sửa đổi theo hướng tăng nặng hơn. Điều này được cho là sẽ có tác động mạnh đến ý thức của người tham gia giao thông. Thực tế thì vì sợ bị phạt nặng, bị tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn, nhiều người cũng đã có ý thức hạn chế sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi mà việc xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng còn chưa đủ mạnh như thời gian qua, tình trạng “nhờn luật”, sử dụng rượu bia lại tiếp tục tái diễn với mức độ ngày càng tăng. Vì vậy, việc tăng cường phòng-chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu bia như kế hoạch mới đây của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Cục CSGT (Bộ Công an) là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên cả nước. Song, nếu việc xử lý vi phạm của lực lượng CSGT chỉ dừng lại ở những đợt cao điểm như vừa qua mà không được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục thì e rằng, tình trạng này cũng khó được cải thiện.
Lê Hà