(GLO)- Năm 2017, MTTQ các cấp trong tỉnh Gia Lai đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
Trong năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên triển khai đồng bộ chương trình hành động do Đại hội lần thứ IX MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2014-2019 ban hành, gắn với nhiệm vụ công tác đề ra.
Trao đổi kinh nghiệm công tác MTTQ vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: T.N |
Ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên chú trọng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với hơn 4.014 buổi cho 263.158 lượt người. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức 675 buổi tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức thu hút gần 73.762 lượt người tham gia. Đồng thời, đã phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền giúp đồng bào các dân tộc nâng cao tinh thần cảnh giác với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch để chống phá cách mạng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh”.
Cùng với các phong trào thi đua yêu nước, MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiêu biểu như tại TP. Pleiku, MTTQ đã vận động nhân dân đóng góp hơn 5,6 tỷ đồng và 675 ngày công xây dựng 7.192 m đường giao thông nông thôn; duy trì mô hình điểm về bảo vệ môi trường tại làng Ốp (phường Hoa Lư); duy trì và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm tại phường Thắng Lợi. Tại huyện Đak Đoa, MTTQ đã vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng đô thị văn minh, sáng-xanh-sạch-đẹp... Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 1.605 khu dân cư văn hóa (đạt 74,31%), 244.272 gia đình văn hóa (đạt 75,12%).
Trao Bằng khen cho các tập thể, đơn vị có thành tích tiêu biểu vì người nghèo. Ảnh: T.N |
Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã vận động được gần 6,9 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo”. Qua đó, các cấp đã triển khai xây mới 123 căn nhà “Đại đoàn kết” và sửa chữa 53 căn; giúp người nghèo phát triển sản xuất, khám-chữa bệnh, giúp học sinh học tập… Những địa phương làm tốt công tác này gồm: Phú Thiện, Đak Đoa, Ayun Pa, Ia Grai, Đak Pơ. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh phân bổ 3 tỷ đồng từ Quỹ An sinh xã hội tỉnh hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 150 gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7).
Theo ông Nguyễn Thành Nuôi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: “Gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp tục triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo để thực hiện điểm tại thị xã Ayun Pa và huyện Mang Yang. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã phối hợp duy trì 67 mô hình, xây dựng mới 67 mô hình với 3.232 hộ gia đình tham gia thực hiện”.
Tiêu biểu như tại huyện Kông Chro đã triển khai mô hình phát triển chăn nuôi dê ở xã Yang Nam và Đak Kơ Ning. Tại huyện Kbang có mô hình trồng chuối thuần chủng (thị trấn Kbang), trồng chanh leo (xã Đông và Nghĩa An) và sa nhân tím (xã Sơn Lang), nuôi bò lai và vịt trời, vịt Bắc Kinh (xã Lơ Ku), trồng ổi (xã Tơ Tung).
Tuyên truyền vận động quần chúng ở làng dân tộc thiểu số. Ảnh: T.N |
Tại Mang Yang có mô hình hoán đổi ngày công giúp nhau phát triển sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hay như mô hình nuôi bò sinh sản tại các huyện Kông Chro, Ia Pa, Phú Thiện được triển khai từ nguồn hỗ trợ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh. Tại Đak Pơ triển khai mô hình cánh đồng mía lớn với diện tích 32 ha có 22 hộ tham gia (xã An Thành), mô hình nuôi bò sinh sản (xã Yang Bắc, Ya Hội, An Thành và thị trấn Đak Pơ)... Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, đời sống của đại bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên.
Ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: “Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung hướng về cơ sở nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội theo quy định. Phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu và uy tín, các chức sắc tôn giáo trong tuyên truyền, vận động quần chúng và phòng-chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh”. |
Thanh Nhật