Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Miền Trung: Sẵn sàng ứng phó bão số 10

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chính quyền và người dân các tỉnh miền Trung đang gồng mình chằng chống nhà cửa, di dời người và tài sản trước khi báo số 10 đổ bộ vào đất liền. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng-chống lụt bão số 10 tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị.


Sáng 30-9, Trung tâm Phòng-chống lụt bão miền Trung-Tây Nguyên cho biết, các tỉnh ảnh hưởng trực tiếp của bão trong khu vực là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, TP. Đà Nẵng đã chủ động triển khai sơ tán, di dời 11.642 hộ dân (50.127 người) của 21 huyện, thị xã từ các vùng ven biển đến nơi an toàn. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.
 

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng-chống lụt bão số 10 tại các địa bàn xung yếu.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng-chống lụt bão số 10 tại các địa bàn xung yếu. Ảnh: Bùi Oanh

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây-Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 16 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình-Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Chiều và đêm nay, do ảnh hưởng mưa của bão số 10, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị có khả năng lên mức báo động (BĐ) 2-BĐ3; Thừa Thiên-Huế lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2.

Lúc 1 giờ 30 phút ngày 30-9, mức lũ sông Ba tại Củng Sơn 29 mét, dưới BĐ2: 0,75 mét, sông Sêrêpôk tại Bản Đôn 172,25 mét, trên BĐ1 0,93 mét, sông Đak Nông tại Đak Nông 589,42 mét, dưới BĐ2: 0,08 mét. Tuy nhiên, Trung tâm PCLB miền Trung-Tây Nguyên dự báo chiều và đêm nay (30-9), do ảnh hưởng mưa của bão số 10, mực nước các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế sẽ lên nhanh gây đợt lũ mới. Lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, Thừa Thiên-Huế lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2.

Các hồ chứa thủy lợi từ Quảng Bình đến Ninh Thuận vận hành bình thường còn ở mức trung bình 20-70%, có 6/55 hồ đầy và qua tràn là hồ Tiên Lang, Minh Cầm, Trung Thuần (Quảng Bình), Hòa Mỹ (Thừa Thiên-Huế), Khe Tân (Quảng Nam), Suối Trầu (Khánh Hòa). Các hồ chứa vừa và lớn ở Tây Nguyên đang ở mức cao trên 80%, có 5/15 hồ lớn đã đầy và qua tràn như Đak Uy (Kon Tum), Biển Hồ, Tân Sơn (Gia Lai), Buôn Yong (Đak Lak), Đak Knia (Đak Nông). Đáng chú ý là các hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn, trong đó miền Trung có 12 hồ là hồ khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu-Trọt Đen (Quảng Trị), Hòa Mỹ (Thừa Thiên-Huế), An Long (Quảng Nam), Cây Khế, Đá Bàn, Tôn Dung (Quảng Ngãi). Ngoài ra, còn có đập Ea Kmiên 3, huyện Krông Năng, Đak Lak do lượng nước về lớn hơn khả năng thoát lũ nên mực nước trong hồ dâng cao và có nguy cơ mất an toàn.

Trong khi đó, hiện có 12 trên tổng số 20 hồ thủy điện lớn gần đầy và xả tràn mức cao như Sông Ba Hạ (Phú Yên) 1.100 m3/s, Sê San 4 (1.976 m3/s), Sê San 4A (1.626 m3/s) Gia Lai-Ia Ly (1.238 m3/s), Sê San 3 (1.265 m3/s). Một số hồ xả tràn điều tiết như Pleikrông (Kon Tum) 410 m3/s, Buôn Kuốp (431 m3/s), Buôn Tua Srah (162 m3/s), Sêrêpôk 3-Đak Lak (520 m3/s).

Sáng 30-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra chỉ đạo công tác phòng-chống bão số 10 tại các địa bàn xung yếu khu vực đầm phá, ven biển Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị.
 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng-chống lụt bão tại Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng-chống lụt bão tại Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Bùi Oanh

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, tính đến 9 giờ sáng 30-9, vùng biển tỉnh Thừa Thiên-Huế gió mạnh lên rất nhiều, sức gió đo được cấp 9 và giật trên cấp 10; tỉnh đã hoàn thành việc di dời 3.376 hộ với 10.758 nhân khẩu tại các vùng xung yếu đến nơi an toàn để trú tránh bão. Đồng thời, đã kêu gọi 1.833 tàu cá vào bờ neo đậu tại các khu tránh, trú bão và hướng dẫn, cảnh báo không cho người dân ở lại trên tàu, hiện không còn phương tiện đánh bắt trên khu vực vùng biển Thừa Thiên-Huế. Hôm nay, 100% học sinh tỉnh này được nghỉ học để tránh bão.

Sau khi kiểm tra các địa bàn xung yếu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự chủ động của các địa phương, đặc biệt địa bàn xung yếu sạt lở xã Hải Dương, thị xã Hương Trà đã hoàn thành việc di dời 134 hộ dân với 412 khẩu đến nơi an toàn trước 8 giờ 30 phút sáng 30-9. Kế hoạch bảo vệ, ứng phó sạt lở, xâm thực bờ biển cũng được thị xã Hương Trà và xã Hải Dương chủ động nhân lực và vật lực. Phó Thủ tướng lưu ý, đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Trung tính từ năm 2006 đến này. Với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16 sẽ là nguy cơ lớn đối người và tài sản; đồng thời hoàn lưu khi bão tan ở sâu trong đất liền nên nguy cơ mưa lớn ở vùng núi có thể xảy ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu  tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ", trong đó đối với các địa phương ven biển, đầm phá phải quản lý tốt tuyệt đối không để người dân quay lại tàu, lồng bè, nhà ở đã di dời khi thời tiết nguy hiểm. Chủ động phòng tránh lũ lụt, nhất là lũ quét và sạt lở đất đá ở vùng núi, nhất là 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới; các địa phương tiếp tục yêu cầu các hộ dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đến. Phó Thủ tướng yêu cầu phải theo dõi diễn biến lượng mưa, nếu trên 400 mm phải tính đến phương án đối phó với lũ lớn có thể xảy ra; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ chứa nước, đập thủy điện và giải pháp điều tiết, xả lũ an toàn cho vùng hạ du và an toàn đập.

Ghi nhận của phóng viên Báo GLO, tại thời điểm kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 10 ở các địa bàn xung yếu, các lực lượng chức năng của địa phương vẫn đang gấp rút hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân di dời, chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản cho nhân dân. Ông Nguyễn Liêm-Chủ tịch UBND xã Hải Dương, thị xã Hương Trà cho biết, 134 hộ xung yếu của xã đã di dời xong đến các điểm an toàn là trường học hai tầng và các nhà dân kiên cố. Tại các điểm bố trí tập thể, xã đã chuẩn lương thực thực phẩm để hỗ trợ người dân. Ngoài ra tại các điểm di dời, xã bố trí 6 chiến sĩ Công an, Quân đội và lực lượng xung kích của xã canh gác, bảo vệ tài sản của nhân dân và cấm không cho người dân quay lại các điểm nguy hiểm đã di dời, nhất là các tàu thuyền, lồng bè trên biển.

Sáng cùng ngày, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu tiếp tục tới Quảng Trị chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão tại địa phương này. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị báo cáo về tình hình sơ tán dân ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, chịu ảnh hưởng của bão trong ngày 29-9 và sáng 30-9. Số hộ dân vùng ven biển đã và đang sơ tán tránh bão số 10 là 20.502 hộ, với 82.107 người thuộc 141 xã, phường của 10 huyện, thị xã, thành phố. Số hộ dân cần phải sơ tán khi lũ lớn xảy ra là 20.372 hộ với 93.432 người thuộc 384 thôn, bản của 80 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Đối với vùng lũ quét là 144 hộ/550 người, vùng sạt lỡ bờ sông là 584 hộ/2.200 người.
 

 100% tàu thuyền Thừa Thiên-Huế đã neo đậu tránh trú bão số 10 an toàn.
100% tàu thuyền Thừa Thiên-Huế đã neo đậu tránh trú bão số 10 an toàn. Ảnh: Bùi Oanh

Hiện công tác đối phó với cơn bão số 10 tại Quảng Trị cơ bản hoàn thành. 100% tàu thuyền đã được neo đậu an toàn; lực lượng xung kích gồm Bộ đội Biên phòng, Quân đội, Công an… đã tỏa về các địa bàn vùng xung yếu giúp người dân ràng chống nhà cửa và di dời người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đến nơi ở an toàn. Tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), UBND huyện Gio Linh đã đặt Ban Chỉ huy tiền phương chống bão do ông Trần Ngọc Lân-Chủ tịch UBND huyện chỉ huy. Ngay trong đêm 29-9, toàn thị trấn và một phần xã Gio Việt được đặt trong tình huống báo động. Với sự thúc giục, vận động mạnh mẽ từ chính quyền, người dân tại các vùng nguy hiểm đã gói ghém đồ đạc, chăn màn, lương thực đến tập trung tại những trụ sở kiên cố, cao ráo. Theo UBND thị trấn Cửa Việt, đến khuya 29-9, đã có gần 200 hộ dân được di dời đến nơi an toàn, nếu tình hình xấu đi con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Suốt đêm 29-9, tại thị trấn ven biển này, không khí hết sức khẩn trương, già trẻ gái trai ùn ùn đi tránh bão lũ. Đây là tín hiệu hết sức tích cực và cũng là điểm sáng trong công tác chỉ đạo phòng-chống bão lũ tại Quảng Trị.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm